Mẹ thường nói rằng muốn có được lát khoai thơm ngon trước hết phải là giống khoai ngon và phải băm bằng tay và phơi được nắng.

Mấy hôm rày trời mưa liên tục, cảm giác như đất trời thừa nước vậy. Mưa xối xả, buồn đến nao lòng. Đổi lại anh em chúng tôi có được những ngày nghỉ “bất đắc dĩ” và những cuộc liên hoan vui vẻ thoải mái ý vị trong cuộc đời. Nói là liên hoan tưởng chừng to tát lắm nhưng buổi liên hoan đó chỉ là nồi khoai xéo của mẹ. Chỉ có những ngày mưa liên tục, mẹ tôi mới ngừng công việc đồng áng và mới có điều kiện để nấu cho anh em chúng tôi những nồi khoai xéo, bây giờ ở tuổi trưởng thành, dù ăn đủ cao lương mỹ vị chốn chốn nơi nơi trong tôi vẫn cảm thấy nồi khoai xéo của mẹ là ngon hơn cả, và thấy anh em mình hạnh phúc hơn khi được sống trong không khí ấm áp của gia đình nơi chốn quê thôn dã.

Rá khoai khô từng lát vuông vắn, trắng ngà được mẹ lấy ra từ chiếc chum sành kê cao nơi góc của căn nhà gỗ tứ trụ có từ thời cố nội, khô giòn và thơm phức. Mẹ thường nói rằng muốn có được lát khoai thơm ngon trước hết phải là giống khoai ngon và phải băm bằng tay và phơi được nắng. Nhìn rá khoai tôi cứ bồi hồi nhớ về những ngày nắng tháng 5 mẹ chau chở canh chừng sân khoai, thi thoảng lại ra gạt đảo cho miếng khoai nào cũng bắt được nắng trời. Tuổi thơ tôi thường giúp mẹ ra vườn nhà nội xé lá chuối tiêu thật khô về để lót trên miệng chum khoai đầy.

Tôi thảng thốt khi nhớ lại mình vẫn thường dối mẹ mở chum khoai bốc ăn sống sau những buổi đi học về, có đâu hay rằng ít nhiều đã làm vơi mất mùi hương mẹ hằng ấp ủ. Các loại đỗ cũng được mẹ lấy ra từ những chĩnh sành khô ròn. Bao giờ cũng vậy nồi khoai xéo nào cũng được nấu bằng đỗ trắng, đỗ đỏ và đỗ trứng quốc, những thứ đỗ này vừa tạo nên hương vị phong phú vừa tạo nên phần hấp dẫn của những nắm khoai xéo. Mẹ cẩn thận rửa sạch đỗ trong chậu sành trong vắt, những hạt đỗ nào sau nươi phút ngâm cứ nổi lềnh bềnh đều được mẹ vớt ra loại đi chỉ giữ lại những hạt đỗ chắc mịn căng tròn. Việc ngâm ủ cũng thật khéo, đỗ thì ngâm lâu hơn còn lạc thì ngâm ít, gạo nếp vừa đủ. Khi đã đủ độ mẹ trộn đều tất cả rồi cho vào nồi Bảy đun.

Đến bây giờ tôi chẳng còn nhìn thấy những chiếc nồi Năm, nồi Bảy khi xưa, không hiểu ai khéo tạo nên nồi đáy thì to miệng thì bé, bám và đón nhận được nhiều lửa tiết kiệm được nhiệt mà vững chãi, mới hay tư duy của người nông dân là rất thiết thực và cụ thể. Còn một thứ gia vị nữa tạo nên nồi khoai xéo rất riêng của mẹ đó là những lát dừa già thái mảnh chỉ cho vào nồi khoai khi gần cạn nước để giữ lấy sự thơm giòn tránh chảy dầu. Mẹ làm thành thục, tự nhiên như việc cấy việc cày, đã có lần thèm ăn tôi học lỏm nấu theo mẹ mà vẫn không sao thành được, lúc thì khô quá, lúc thì nhão quá, nghĩ mình rất vô duyên.

Nồi khoai của mẹ vừa chín tới dậy mùi thơm, mẹ khéo léo bắc vào chiếc rế tre thật vừa vặn, dùng hai thanh đũa cả xéo khoai cho thật nhuyễn. Động tác của mẹ thành thực và dứt khoát, hai thanh đũa cả xéo đi xéo lại khoai vừa tan đều bung mịn màng. Chiếc mo cau ngày thường mẹ gác nơi khô ráo giờ được ngâm rửa sạch hong cho ráo nước, tay mẹ xới từng bát khoai vào bát chiết yêu cho có cữ rồi đổ vào lòng mo cau, khoai được mẹ chạt đi chạt lại rồi nắm thật chắc thành cục tròn như nắm tay. Lũ chúng tôi khi ấy được thi nhau tranh phần, mong nắm của mình to hơn. Muối vừng mẹ đã giã sẵn mỗi ngày chỉ việc đổ ra bát mà chấm. Mỗi lần ăn mẹ thường hay đem kể tích chuyện xưa: Có chàng Nho sinh nhờ hồng phúc đất quê mà thành đạt rồi có ý chối bỏ mảnh đất xuất thân đã bị cô gái quê nhắc khéo:

Ông Nghè ông Cống sống bởi ngọn lang.
Ông Lý trong làng không lang cũng chết

Rồi chuyện một anh học trò ở Đoan Vĩ (Hoằng Thịnh bây giờ) đi học về gặp cô gái đẹp muốn trêu ghẹo vờ hỏi làm vợ, cô gái cất lời:

Nhà anh được mấy bồ lang
Mà anh cả quyết anh mang em về?

Chàng trai đất học vốn sẵn tư chất thông minh lại chủ động đưa đà:

Em là con gái đâu ta
Mà em lại hỏi rằng nhà có lang,
Nhà anh phú quý giàu sang,
Trời phú, thánh độ được lang ba bồ.

Mẹ đã găm vào trí não tôi biết bao câu ca, kinh nghiệm mà chẳng bao giờ tôi có thể quên:

Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen.
Gái Giêng Hai, khoai Đại Đồng.
Khoai Đại Đồng mồm ăn tay hứng
Cầm lên tưởng trứng, bột sồi sồi.
Nước cực phải vớ lấy anh
Khoai lang chấm muối ngon lành nỗi chi

Mẹ vẫn thường nhắc rằng ăn từ từ kẻo nghẹn, mẹ còn cho hay người quê xứ Nghệ họ thường lèn khoai cho thật nhuyễn rồi nắm chắc lại cắt lát mà ăn y như cắt chè Lam vậy. Người xứ Nghệ kiệm cần, sống ở vùng đất gian khó nên khi trước ăn khoai xéo, khoai reo thay bữa nhất là vào buổi “tháng ba ngày tám”, ở vùng bãi ngang sát mép con nước ngư dân Thanh Hoá cũng chủ yếu ăn khoai với cá. Biển cả cho con cá con tôm, ruộng đồng cho lúa cho khoai, có lẽ bởi ăn loại thức ăn tươi nguyên của đồng đất và biển cả, hít thở hương đất trời tinh khiết và thoáng đãng mà họ rất khoẻ. Mỗi lần nghĩ về món khoai xéo tôi vẫn thấy ngọt thơm, bùi béo nơi cổ họng và thầm cảm ơn mẹ, ơn quê, ơn đất trời thơm thảo đã làm nên món khoai xéo ngọt thơm mê hồn làm nên tuổi thơ của anh em chúng tôi giàu có và nhân hậu.

Theo toquoc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *