Cá rô đồng sống ở cả môi trường nước ngọt lẫn nước lợ, từ ruộng lúa, ao, mương đến rãnh, hào, đầm, sông rạch… Cá rô mề chỉ to cỡ 2 – 3 ngón tay, xương nhiều, nhưng vào mùa nước nổi, nhờ đớp đòng đòng, bông lúa chín rụng, ăn cào cào… nên con nào cũng mập tròn, ươm mỡ vàng tươi. Cũng con cá rô ấy, nhưng nuôi trong hồ, vị ngon giảm hẳn, không bằng cái giống cá sống hoang dã trong đồng, ngoài rạch.
Mùa mưa, dân miền Tây chỉ cần xách cái cần câu be bé, rảo một vòng là đã nặng rổ cá rô mề. Đơn giản hơn, xách cái vá ra đồng tìm chỗ đất trũng, đào cái hầm nhỏ trên bờ mẫu, chạy đâu đó một hai tiếng quay lại là cá rô đã “nhảy hầm” lúc nhúc. Bọn cá rô là vậy, có thể búng, nhảy để di chuyển qua những vùng cạn lấp xấp nước nên cứ thế mà “sụp hầm”.
Dân miền Trung thì có cái thú đi đặt dẹp ở mương, bàu kiếm cá rô, cá diếc. Trời càng mưa, cá càng thích “lang thang” mang cái bụng trứng tìm nơi gởi lại thế hệ đời sau.
Cá rô đầu mùa béo tròn, bụng trứng căng phồng đem nướng chín vàng trên lửa than, chấm muối ớt là ăn “ngọt” miệng. Những buổi chiều mưa lành lạnh, con cá nướng còn nóng, thả luôn vô tô nước mắm ớt tỏi, ăn với cơm mới nóng hổi, thêm đĩa rau lang luộc, thật không gì sánh bằng.
Dân nhậu thích cá rô chiên xù nguyên con, ăn với rau sống hay đọt nhãn lồng, chấm nước mắm ớt tỏi. Cũng có thể thay nước mắm ớt tỏi bằng nước mắm gừng, ăn cũng ấm bụng. Nhưng “đã” hơn là những con cá rô con chừng một hai tháng tuổi, thường gọi là “cá rô thóc” hay “cá rô bí”, chỉ to cỡ đầu ngón tay. Cá rô bí chiên trong chảo ngập dầu, chấm nước mắm me, nhai giòn rụm cả thịt lẫn xương, đẩy đưa với ly đế cay nồng, ngắm mưa sùi sụt là cái thú ai thưởng thức một lần thật khó quên. Cá rô chiên giòn, làm miếng nước sốt me rưới lên, ăn với cơm trắng cũng rất “bắt” cơm.
Cá rô bí |
Món lừng danh trong bữa cơm gia đình của con cá rô mề là kho tộ. Cá kho liu riu bằng cái nồi đất với mỡ, nước mắm nhĩ, tiêu sọ, ăn với đậu rồng non. Món này kho gần cạn thơm điếc mũi, nghe mùi đã thèm. Chút xíu nước cá kho sền sệt, chấm bông điên điển hay bông súng đồng, lùa miếng cơm gạo mới là ăn “quên đời”. Cá rô có thể kho thêm với trái giác, ăn lạ miệng nhờ cái vị chua “hoang dã” của loại trái này.
Cái nồi đất và con cá kho là hình ảnh quen thuộc từ bao đời của văn hóa ẩm thực Việt. Con cá rô kho tộ nay đã đi vào các nhà hàng Việt, cái nồi đất ngồi chễm chệ trên những bàn tiệc sang trọng…
Cá rô kho tộ |
Miến cá rô là một món phong phú các vị chua, cay mặn, ngọt. Cá làm sạch, luộc chín, gỡ thịt hai bên, ướp gia vị, chiên lại trong chảo dầu. Xương và đầu cá cho lại vào nước, nấu nước dùng. Miến riêng, nước dùng riêng, cá riêng, cải xanh hăng hắc, gừng xắt sợi thơm nồng, một miếng ăn kết hợp tất cả, cái ngon phải ăn mới thấu.
Cũng con cá rô, đem kho nước ăn với bún, với cơm đều đã. Hoặc kho nước dừa, hoặc kho với nước dùng nấu bằng chính xương cá, ăn ngọt lịm. Món bún cá kho vừa lành vừa ngọt, vừa dễ tiêu, ăn chưa no chưa chịu nghỉ.
Cá rô kho |
Vài con cá rô đem luộc hoặc nướng, gỡ thịt nấu canh với mớ cải, xương và đầu cá giã nhuyễn, nấu lấy nước canh, thêm lát gừng tươi lại là một món hấp dẫn nữa. Canh cải cá rô lạ ở chỗ ăn không còn vị hăng đắng của cải, cũng chẳng còn cái tanh của cá, chúng hòa vào nhau thành vị thơm ngọt, càng ăn càng thấy ngon, thấy ấm lòng. Cá rô vị hàn, tính âm; gừng tính dương; âm dương hài hòa, đúng theo cái triết lý ẩm thực phương Đông. Theo Đông y, món canh này tốt cho người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho đàm.
Một món canh khác đơn giản, dân dã hơn là món canh cá rô khoai từ. Khoai mới đào, nạo thành từng miếng nhỏ, dài. Cho vào nồi chút dầu, tỏi, phi thơm, cho cá rô mề vào chiên sơ cho thịt săn lại. Cho nước vào nồi, nấu vừa sủi tăm là cho khoai bào vào. Canh sôi lại khoai cũng vừa chín. Cho hành lá vào, nêm nếm vừa miệng, có ngay một nồi canh ngon.
Cá rô còn được nấu canh với rau nhút, với khổ qua bào, vừa có mùi thơm đặc trưng, vừa có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng gân cốt, ích tỳ vị, nhuận trường, an thần, giải nhiệt.
Theo phunu