Để có được những chiếc nem ngon, đẹp mắt, đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ khi chọn nguyên liệu, sáng tạo trong chế biến và khéo léo trong cách gói. Trước khi gói nem, khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng thật kỳ công. Ba tôi được giao nhiệm vụ chẻ từng sợi lạt từ thân cây giang lấy ngoài rừng, rồi vuốt thật mỏng để buộc nem. Tôi ngồi lựa những chiếc lá bưởi non, rọc từng tờ lá chuối, đem phơi dưới nắng xuân cho dịu. Mẹ tôi lục đục giã tỏi, tiêu và xắt thịt. Mẹ chọn miếng thịt nạc ngon, tươi, đã lọc sạch gân, mỡ, rửa sạch, để ráo, rồi dùng dao thật bén xắt từng lát mỏng. Công đoạn cắt thịt cũng là một “nghệ thuật”, phải xắt mỏng đến mức… có thể. Thịt xắt xong, cho muối, tiêu, nước mắm ngon, mì chính vào, ướp cho thấm. Nêm các loại gia vị phải đúng liều lượng, nếu mặn quá sẽ ăn mất ngon, nhạt quá nem sẽ không thấm. Đặc biệt, khi gói kín, sẽ tạo nên mùi vị lạ cho cây nem: chua, cay, ngọt, bùi, khiến nem trở thành món ăn nổi tiếng từ bao đời nay ở quê tôi. Một số gia đình còn cho thêm vài cộng lá đinh lăng trong lớp bưởi, thứ cây thuốc này vừa làm đẹp cho chiếc nem vừa tạo mùi vị hấp dẫn.
Tôi còn nhớ như in những ngày mồng một Tết, ba đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ về ngoại mừng tuổi ông, bà. Bóng một già một trẻ in đậm trên con đường đất gồ ghề. Chùm nem mẹ treo trên cổ xe cứ lủng la lủng lẳng theo từng vòng xe đạp. Thỉnh thoảng gặp ổ gà, hai cha con suýt té. Ấy vậy mà cười nắc nẻ, vui đáo để.
Hương vị Tết ngọt ngào ngày ấy cứ in sâu trong tôi. Lại thêm một cái Tết, nhìn những chiếc nem vuông xinh xắn được xâu thành từng chùm gửi lên từ quê mà lòng thắt lại vì nỗi nhớ những năm tháng tuổi thơ.
Theo PNO