Tháng bảy về, mang theo cái nắng oi ả. Quê tôi, miền gió Lào cát trắng hanh hanh nắng, hiếm hoi lắm mới có trận mưa giông gột rửa đất trời để thỏa mãn những cơn khát đến nứt da nứt thịt của ruộng đồng cây cỏ. Mọi vật trở nên vui tươi, tràn trề sức sống.

Sau những chiều mưa giông, chúng tôi lại kéo nhau lên đồi hái nấm. Những tai nấm tràm béo múp ẩn hiện dưới những gốc tràm trông đến là mê. Ngoại bảo tôi, sau mưa giông, chất nhựa trong thân tràm chảy ra và mọc thành nấm. Những tai nấm được chúng tôi nhặt về cạo sạch đất, ngâm trong nước muối rồi chế biến món ăn.

Nấm tràm nấu cháo đậu xanh bao giờ cũng là món tôi khoái khẩu nhất. Ở quê tôi người ta nấu cháo bao giờ cũng để hạt gạo nở vừa búp như những bông cau rụng trắng xóa trong vườn. Cháo nấu như thế ăn mới ngon.

Để hạt gạo chín mà không nát nhừ thì khi nấu phải đun nước thật sôi mới cho gạo vào. Đậu xanh dùng để nấu cháo thường là loại đậu còn nguyên hạt. So với gạo thì đậu rất lâu chín, do đó phải nấu mềm đậu xanh mới cho gạo vào nấu cùng. Muốn món cháo có thêm vị ngọt, ta có thể dùng nước hầm xương, tôm, thịt, tùy vào khẩu vị, để nấu cháo. Cháo chín tới, cho nấm tràm đã xào chín vào nồi cháo, nêm lại cho vừa ăn, rắc thêm hành ngò vào là dùng được. Không ngọt, thơm như nhiều loại nấm khác, nấm tràm có vị đắng nơi đầu lưỡi, nhưng ăn một lúc sau sẽ thấy vị ngọt, béo và hơi the trong cổ.

Những người ghiền ăn nấm tràm khi chế biến thường để nguyên cả tai to, lúc ăn nhai mới giòn. Còn tôi vốn sợ vị đắng nên mỗi lần ăn chỉ nhai lúng búng rồi nuốt. Có lần sang nhà hàng xóm chơi vào đúng giờ ăn tối, nhìn nồi cháo bốc khói nghi ngút, hương nấm tràm quyện vào hương đậu xanh thơm mát, thèm quá, tôi xách tô vào mâm ngồi ăn chực. Thế mà khi múc đến tai nấm tôi sợ đến toát mồ hôi. Tai nấm to thế làm sao ăn, chắc là đắng phải biết. Tôi thầm nghĩ: "Tai nấm này ở nhà tôi phải chẻ nhỏ làm tám chứ không phải làm tư đâu".

Thấy tôi còn chần chừ chưa dám "tấn công" đến chú “lính dù” đang nằm chỏng gọng trong tô, bác chủ nhà cười: “Con không biết đấy thôi, để nguyên vậy khi nấu nấm sẽ không teo lại, không ra hết nước và khi ăn nhai vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo, vừa đắng…hà hà…ngon tuyệt”. Tôi lưỡng lự rồi cũng đưa vào miệng và nhai… Ừ thật vậy, chẳng phải quá đắng như tôi tưởng mà lại còn giòn giòn, rất ngon, chứ không dai như khi chẻ nhỏ.

Vào những chiều mưa giông liên tiếp, nấm mọc nhiều hái ăn không hết, dân làng lại đem phơi khô. Nấm phơi khô ăn dai lại béo mà ít vị đắng nên rất ngon. Nấm tràm khô thường được dùng để nấu món canh hầm xương. Cách nấu cũng rất đơn giản: Bạn chỉ cần bắc nồi nước dùng, ninh cho nhừ xương rồi vớt sạch bọt, sau đó cho nấm đã ngâm và rửa sạch vào nồi nước dùng, để khoảng năm phút cho nấm chín, nêm muối, bột ngọt, tiêu, hành cho vừa ăn, rắc thêm một ít hành ngò đã cắt nhỏ vào là được.

Nấm tràm khô bạn phải ngâm nước muối thật lâu và rửa thật kĩ vì sau khi phơi khô, đất bám rất chắc trong thân nấm.

Ngoài ra món nấm tràm khô xào lòng heo cũng tuyệt không kém. Lòng heo mua về, xát muối rồi rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn, ướp muối, bột ngọt, tiêu, hành. Nấm khô xào riêng, khi xào nhớ cho thêm ít nước lã vào vì nấm khô không ra nhiều nước như nấm tươi. Nấm vừa chín thì cho tiếp lòng heo vào, xào cho chín đều và thấm gia vị là được.

Mấy năm gần đây chẳng còn thấy nấm tràm xuất hiện nhiều trong các chợ quê. Ở trên đồi bây giờ, những rừng tràm bị người ta đốn sạch để lấy đất trồng, lấy củi…Mỗi bận hè về, sau những trận mưa giông, chẳng còn thấy ai cầm giỏ gọi nhau í ới đi lật từng gốc tràm tìm những tai nấm bé xinh. Món ăn yêu thích ngày nào của tôi giờ cũng vắng bóng trong những chiều hanh hanh nắng hè.

Theo phunu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *