Nấm mối thường mọc khi có những cơn mưa thất thường (chợt mưa, chợt nắng) làm cho không khí trở nên oi nồng, mặt đất hâm hấp nóng.
Hái nấm mối phải hái vào sáng sớm, lúc tờ mờ sương, nấm mới ngon, nếu để trưa nấm sẽ tàn. Cần lưu ý khi nhổ nấm phải nhẹ tay (khác với nấm rơm), để lấy được hết chân nấm, nếu nóng vội khi nhổ, nấm bị đứt chân, bán sẽ mất giá. Vào mùa, ở những gò có nhiều ổ mối, người dân có thể thu hoạch được vài ký nấm tươi. Nấm mối ngon, hiếm nên có giá trị trên thị trường. Ở vào thời điểm hiện nay, giá một ký nấm mối tươi ngang bằng với hai ký thịt heo.
Nấm mối chế biến thức ăn nào cũng ngon vì hương vị thơm ngọt, đậm đà của nó. Người ta thường chế biến những món ăn như: nấm mối xào cổ hũ dừa, xào nước cốt dừa, nấu canh giò heo, làm nhân bánh xèo… Nhưng cái món để lại nhiều hương vị nhất là món nấm mối nướng lá cách.
Nấm mối hái về, gọt bỏ phần chân nấm (phần dính đất), chẻ đôi và rửa bằng nước lạnh có pha chút muối vài lần để sát trùng. Gan heo, mỡ chài mua khoảng 200g (nhiều hay ít tuỳ theo số lượng thực khách), xắt thành từng miếng vừa đũa gắp. Hái vài nắm lá cách non rửa sạch để cuốn những thứ nêu trên. Sau khi ướp gia vị (muối, tiêu, bột ngọt…) vào gan cho vừa khẩu vị, xếp từng miếng nguyên liệu theo thứ tự: nấm mối, gan heo, mỡ chài…, và cuốn bên ngoài bằng miếng lá cách. Sau cùng, lấy từng cuốn cho vào gắp tre nướng. Để tránh lửa chín áp (lửa quá nóng không chín kịp bên trong), nên phủ thêm bên ngoài bằng một miếng lá chuối non xé nhỏ. Trong khi nướng, nhớ giữ nhiệt độ cho đều, và khi mặt dưới phần lá chuối cháy trèm trèm, trở phần trên xuống, cho đến khi hai mặt cháy đều nhau thì phần gan và nấm bên trong chín hẳn, gỡ phần lá cháy dở bên ngoài bỏ đi và xếp những cuốn nấm mối vào dĩa … Nhớ thêm một dĩa muối ớt (muối hột rang đâm với ớt hiểm xanh mới đúng điệu)!
Theo sgtt