Trong đó, các loại mắm mà họ làm thường là mắm cá trèn, cá linh, cá sặt… là đặc sản nổi tiếng của vùng này. Vào mùa thu hoạch khoai, bà con nông dân thường đem cả hũ mắm ra đồng. Khoai mới dỡ đem luộc cả nồi to tướng. Hái mấy trái dừa rám vỏ (dừa đã cứng vỏ nhưng chưa khô), lá cách, cùng mớ rau cải “quơ” ở quanh ruộng là đã thành một món ăn khoái khẩu trong giữa giờ lao động cho hàng chục người. Khoai luộc xong, bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống vàng ươm, thơm lừng, rắc dừa nạo lên cùng rau cải các thứ, thêm chút ớt, sau cùng gói bằng chiếc lá cách to.
Món ăn này vừa có vị ngọt bùi của khoai lang, vừa có mùi vị mặn đậm đà của mắm (ngon nhất là mắm cá trèn sông Hậu), vị béo của cơm dừa nạo, vừa có mùi thơm đặc trưng của lá cách, rau vườn, tất cả hòa quyện thành một món ăn dân dã ngon khó tả. Cuộn khoai lang, mắm sống, lá cách này cứ liên tục được những người lao động vừa ăn vừa ca hát, nói cười rôm rả, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Dần dà, món khoai lang, mắm sống cuốn lá cách thành món ăn khai vị trong các bữa nhậu, tiệc tùng, đãi khách ở địa phương.