Kết hợp thực phẩm với thuốc không đúng cách có thể khiến cơ thể gặp trở ngại trong việc hấp thu dược tính của thuốc, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Mục tiêu chung của việc sử dụng thuốc và thực phẩm đều là đảm bảo sự khỏe mạnh cho cơ thể. Một số loại thực phẩm có thể được sử dụng với những loại thuốc nhất định để giúp thuốc phát huy tác dụng tốt hơn. Nhưng cũng có những trường hợp kiêng kỵ khi kết hợp giữa thuốc và thực phẩm.
Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có được những lời khuyên hữu ích về chế độ ăn uống trong quá trình sử dụng thuốc.
Dưới đây những trường hợp thuốc kiêng kỵ với thực phẩm được đúc kết từ dân gian và đã được kiểm chứng bằng những kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể.
1. Bưởi
Nhờ vào hàm lượng vitamin dồi dào, bưởi và nước ép bưởi giúp bổ sung thêm một số loại enzyme thiết yếu cho cơ thể để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu một số loại thuốc.
Phải cẩn thận khi bạn đang uống các loại thuốc làm hạ lipid trong máu (hay còn gọi là thuốc làm hạ mỡ trong máu). Những loại thuốc có tác dụng làm hạ lipid trong máu như simvastatin, atorvastatin và pravastatin đều được sử dụng với mục đích làm giảm mức cholesterol.
Việc ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi vài giờ trước hoặc sau khi uống các loại thuốc này có thể làm gia tăng các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, thậm chí, có thể gây tổn hại cục bộ. Bưởi khiến thuốc tích tụ trong cơ thể lâu hơn, chậm bị đào thải ra bên ngoài. Hậu quả là gan bị tổn hại hoặc hệ cơ bị suy yếu do thận hoạt động kém đi. Khi sử dụng loại thuốc này, cách an toàn nhất là loại bưởi khỏi danh sách trái cây bạn sẽ ăn. Tuy nhiên, nếu đã lỡ yêu thích loại quả có vị chua này, bạn có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn đề lượng khẩu phần phù hợp.
Không phải mọi loại thuốc làm hạ lipid trong máu đều kỵ với bưởi. Nếu đang uống những loại thuốc làm hạ huyết áp nifedipine, thuốc điều trị rối loạn lo âu buspirone và thuốc kháng histamine fexofenadine, bạn có thể thoải mái ăn bưởi mà không cần phải lo lắng gì.
2. Thực phẩm giàu vitamin K và tỏi
Vitamin K là hợp chất quan trọng trong quá trình đông máu. Lượng viatmin K càng cao thì tốc độ máu đông càng được đẩy nhanh. Những thực phẩm giàu vitamin K là bông cải xanh, bắp cải, rau cải xoăn, cải bó xôi, củ cải. Ngược lại, tỏi là thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu diễn ra ở các nhóm tiểu cầu, khiến máu chảy loãng ra.
Thận trọng khi đang dùng các loại thuống chống đông máu. Một số thuốc chống đông máu như warfarin có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thực phẩm giàu vitamin K. Nếu đang uống warfarin, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng những món ăn mình tiêu thụ mỗi ngày, nhằm loại trừ những thứ có hàm lượng vitamin K cao để chúng không ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc trong cơ thể.
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý không dùng tỏi để chế biến hay làm gia vị cho món ăn. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để có phương án sử dụng thực phẩm hợp lý.
Quả nam việt quất, gừng, bạch quả, sâm và chất glucosamien cũng có thể gây trở ngại cho các loại thuốc chống đông máu.
3. Quả óc chó
Đây là loại quả có hàm lượng chất xơ rất cao. Một chén óc chó có thể đáp ứng được 31% nhu cầu chất xơ cho cơ thể trong ngày. Nhờ có chất xơ mà hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn đồng thời còn giúp làm giảm mức cholesterol có hại. Tuy nhiên, đây cũng là thực phẩm có thể làm thay đổi sự hấp thu của một số loại thuốc.
Phải thận trọng khi bạn đang sử dụng thuốc levothyroxine (hormone tuyến giáp). Quả óc chó có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc levothyroxine, một loại thuốc được sử dụng phổ biến trong việc điều trị chứng suy giảm hoạt động tuyến giáp. Những nguồn thực phẩm giàu chất xơ khác như bột đậu nành… cũng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của hormone tuyến giáp.
4. Thực phẩm giàu tyramine
Tyramine là một loại axít amin tự nhiên có khả năng gây ảnh hưởng đến quá trình co giãn của các mạch máu và kiểm soát nồng độ serotonin trong cơ thể. Những thực phẩm giàu tyramine như phô mai, gan bò hay gan gà, thịt đã được ướp gia vị, cá cơm, đậu tằm và bơ…
Cẩn thận khi dùng các thuốc ức chế ôxít monoamine. Những loại thuốc ức chế ôxít monoamine như phenylzine hay tranylcypromine là các thuốc chống trầm cảm. Đối với những người đang điều trị trầm cảm, ăn những thực phẩm chứa nhiều tyramine có thể làm huyết áp tăng cao bất thường và đột ngột. Những người đang uống các thuốc ức chế ôxít monoamine cần theo đuổi chế độ ăn có ít các thực phẩm chứa tyramine theo sự tư vấn của bác sĩ điều trị. Tyramine cũng là chất không an toàn đối với một số loại thuốc kháng sinh như linezolid.
5. Sữa và sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa có chứa canxi, khoáng chất rất tốt cho xương và giúp hệ thần kinh luôn khỏe mạnh nhưng lại có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với các loại thuốc được hấp thu qua hệ tiêu hóa.
Thận trọng khi uống thuốc kháng sinh như quinolone hay tetracycline. Những loại thuốc kháng sinh dòng quinolone như ciprofloxacin, levofloxacin, norfloxacin, ofloxacin và kháng sinh tetracycline như doxycycline, minocycline có thể sẽ không được hấp thu tốt nếu bạn uống chúng sau khi vừa ăn, uống những thực phẩm giàu canxi. Do đó, cần tránh dùng những kháng sinh này trong vòng hai giờ trước hoặc sau khi đã tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.
Theo Hồng Xuân ( Doctoroz.com / Phunuonline )