Bắt thăm được lô đất ở khu tái định cư, ông tôi cảm thấy không được hài lòng lắm vì mặt tiền nhà quay về hướng tây. Buổi sáng thì mát, nhưng khi xế chiều thì nắng nóng không chịu nổi. Thấy ông bức xúc, một người bạn vấn kế cho ông là nên trồng một loại cây ngắn ngày nào đó – nhất cử lưỡng tiện – vừa tránh nắng, vừa có trái làm thức ăn. Thế là, ông tôi trồng thứ dây leo là đậu rồng. Chỉ khoảng 4 tháng sau, sân nhà ngoại đã phủ đầy bóng mát, những trái non của đậu rồng màu xanh mơn mởn đong đưa trên giàn, đan xen với những chùm hoa trắng trông cũng rất nên thơ! Ông vui ra mặt vì vừa có rau xanh để cải thiện bữa ăn, vừa không còn sợ cảnh “nắng quái chiều hôm” nữa.
Theo ông, đậu rồng rất dễ trồng, lại có nhiều chất dinh dưỡng như các acid amin, canxi…v.v…, chế biến được nhiều món ăn ngon miệng. Túng tiền chợ thì đậu rồng sống chấm nước mắm kho quẹt, hay xào mỡ tỏi; rủng rỉnh một chút thì đậu rồng xào tôm thịt, nấu canh chua cá bông lau, hay làm gỏi tôm… Nghe ông kể về món gỏi, tôi “bắt thèm”.
Trước hết, đậu rồng hái trên giàn (hay mua ở chợ, ít nhiều tùy số người ăn) phải lựa trái vừa ăn, màu xanh nhạt (hạt còn non), trái đầy cạnh, tước chỉ, rửa sạch, cắt xéo thành miếng mỏng. Tôm thẻ (khoảng 100 gram), thịt ba rọi (50 gram) luộc chín với nước dừa tươi (pha chút muối cho mặn mòi). Tôm thẻ lột vỏ, thịt ba rọi xắt mỏng. Vắt nước cốt chanh tươi (khoảng ½ chén) trộn ngay với đậu rồng để đậu không đổi màu và ngấm chua. Đổ tôm thịt vào trộn đều với đậu rồng, nêm nếm gia vị vừa ăn, múc ra dĩa. Rắc ít đậu phộng rang giã giập, vài cọng ngò rí, vài lát ớt lên cho có màu sắc hấp dẫn. Thêm một chén nước mắm chanh, tỏi , ớt nữa là xong.
Giờ đây, mỗi lần ăn món đậu rồng, tôi lại bồi hồi nhớ về ông nơi quê nhà với món gỏi “độc chiêu” khó quên.
Theo PNO