Ai đó đã từng nói “món ăn ngon nhất là món mẹ nấu” không biết điều này có đúng với tất cả mọi người riêng với tôi câu nói trên luôn là triết lý sống. Mọi món ăn mẹ nấu đều để lại trong tôi những ấn tượng riêng không thể lẫn với bất kỳ hương vị nào khác.Trong đó gỏi cua đồng là một trong số những món mẹ thường xuyên làm để đãi cả nhà.

Cũng giống như bao vùng quê khác, những món ăn từ đồng ruộng, từ ao hay vườn nhà luôn rất quen thuộc trong bữa ăn của gia đình tôi. Con tôm, cái tép, mớ ốc, rau lang, rau dền…đã nuôi lớn và gắn liền với tuổi thơ tôi. Chính vì thế hơn bao người thành phố khác tôi được biết gần như không bỏ sót một món ăn dân dã nào quê tôi có. Tuy nhiên cũng phải nói ngay tôi người may mắn vì có một người mẹ tuyệt vời, luôn nấu cho cả gia đình những bữa cơm ngon nhất. Chỉ là những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc nếu không muốn nói là đạm bạc nhưng qua bàn tay khéo léo mẹ như gửi gắm trong đó tất cả tình thương yêu dành cho chồng con.

Một trong số những món ăn của mẹ làm tôi nhớ nhiều nhất đó là gỏi cua đồng. Đây là món ăn chỉ có thể ăn vào hai mùa trong năm đó là mùa xuân và mùa thu. Bởi lẽ đó là thời điểm cua đồng béo nhất. Và đặc biệt mẹ tôi bảo vào hai mùa đó cua đồng không có “vắt” – đó là những con vật nhỏ xíu sống ký sinh trong mai và yếm của cua. Chúng làm cho món ăn mất ngon mà ăn lại không đảm bảo. Chính vì thế vào mùa mưa không bao giờ tôi thấy mẹ làm gỏi cua mặc dù mùa này cua cũng rất “sẵn”.

 

Cua bắt về mẹ không làm ngay mà bao giờ cũng để ngâm qua đêm cho nhả bớt đất, sau đó sóc sạch, bóc mai, càng và yếm cua, chỉ lấy phần mình cua. Để được món gỏi cua đỏi hỏi sự khéo léo và kỹ lưỡng cao. Thế nên dù đã được mẹ tôi chiêu đãi nhiều lần mà các dì, các mợ tôi chưa bao giờ tự thay chế biến thành công món ăn độc đáo này. Lần nào muốn ăn cũng phải nhờ mẹ tôi kèm cho cách làm. Gọi là gỏi nhưng thực chất khi ăn cua đã chín. Đó là nhờ đã được ngâm trong nước khế chua. Chính nước khế đã tẩy hết mùi hôi tanh của cua, làm chín thịt cua. Tôi vẫn thắc mắc tại sao mẹ không dùng nước chanh hay giấm mà cứ phải là khế chua. Mẹ giải thích đó là bởi vì nước chanh chua gắt còn giấm lại không đủ chua, chỉ có nước khế chua dịu, thịt cua chín tới ăn mới ngon.

 

Khi dùng nước khế để làm chín thịt cua mẹ có một mẹo vặt khiến thịt cua không bị thâm mà luôn trắng trông đã ngon miệng đó là phải gọt bỏ hết phần cạnh múi và bỏ hết hạt. Chỉ đơn giản vậy thôi mà các dì, các mợ không bao giờ nhớ khiến món ăn dọn nên đĩa trông kém phần hấp dẫn. Sau đó mẹ thái chỉ củ chuối tiêu non đem trần qua nước ấm cho bớt chát và mềm. Giã càng và chân cua lọc lấy nước thật đặc đem trưng lên. Công đoạn cuối cùng là trộn thịt cua, củ chuối và nước trưng với ớt, vừng, vắt kiệt nước cho khô và tơi. Trước khi bày lên đĩa trộn đều với ít lá nghệ thái chỉ. Mẹ nói thường làm gỏi cá hay cho lá chanh nhưng khi ăn thì thơm, ăn xong lại không cảm nhận hết mùi vị. Lá nghệ ăn vào bụng rồi vẫn thấy mùi thơm tỏa ra làm đánh tan hết vị tanh và hôi của bùn đất.

Tôi nhớ đã có lần đọc trong mọt cuốn sách rằng: Ẩm thực không chỉ là thức ăn mà là mọt phần của văn hóa. Bởi thế những món ăn luôn chứa đựng trong đó sự tinh tế, thiêng liêng cùng những ký ức đẹp đẽ của mỗi người. Với tôi món gỏi cua đồng luôn là ký ức đẹp về người mẹ tuyệt vời của cuộc đời tôi.

Theo 24h

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *