Nghêu xào hoa hẹ có tác dụng bổ thận, thanh nhiệt khai uất, trừ phiền, có ích cho người bị loãng xương.

Đông y cho rằng: tạng thận chủ cốt tủy, nếu thận suy thì không sinh tinh, không nuôi dưỡng được xương, nên mật độ xương giảm dần, xương trở nên mỏng hơn, xốp hơn, ngày càng suy yếu và dễ gãy hơn… Ngày nay gọi là loãng xương.

Đông y chữa loãng xương chủ yếu lấy việc bổ thận sinh tinh, dưỡng cốt tủy. Thận tinh đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng loãng xương.

 

Các bài thuốc

Bổ thận chú trọng vào 2 cách: bổ thận âm khi thận âm hư, và bổ thận dương khi thận dương hư.

Thận âm hư:

Triệu chứng: đau lưng mỏi gối, tai ù, chóng mặt, mất ngủ, nóng hâm hấp trong xương, buổi chiều có sốt nhẹ, miệng khô họng ráo, khát nước, chân tay mỏi yếu, vận động nhiều là đau các khớp xương, táo bón, nước tiểu vàng.

Pháp trị: tư âm, bổ can thận, bổ tinh huyết, kiện cân cốt.

Phương thuốc: dùng bài Lục vị địa hoàng (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, bạch phục linh, trạch tả), gia thêm những vị thuốc có tác dụng bổ huyết sinh tinh, bổ gân cốt như: đương quy, bạch thược, đan sâm, tri mẫu, mạch môn, câu kỷ tử, đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, cẩu tích, tang ký sinh, ngũ gia bì; và cao động vật như: cao ban long, cao quy bản.

Cao ban long là một vị thuốc bổ âm mạnh được chế từ sừng hươu nai. Cao quy bản được chế từ mai rùa. Nấu thuốc vừa xong, rót vào tô có cao đã cắt nhỏ, quậy đều cho tan hết để uống, hoặc có thể dùng cao bằng cách cắt nhỏ nấu cháo hoặc hấp cơm để ăn.

Có thể dùng bài Tả quy hoàn (sách Cảnh nhạc toàn thư), tức là bài Lục vị địa hoàng bỏ bạch phục linh, trạch tả, đơn bì gia thêm những vị thuốc: thố ty tử, câu kỷ tử, xuyên ngưu tất, cao ban long, cao quy bản.

Nếu dùng bài Lục vị địa hoàng bỏ hai vị trạch tả, đơn bì, gia thêm câu kỷ tử, cam thảo chích thì có tên là tả quy ẩm, có tác dụng như tả quy hoàn nhưng hiệu lực kém hơn.

Thận dương hư:

Triệu chứng: đau lạnh vùng thắt lưng, người xanh xao yếu mệt, không có lực, tinh thần uể oải, da lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, ăn ngủ kém, đại tiện phân lỏng, nước tiểu trong, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, liệt dương, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng.

Pháp trị: ôn dương, bổ thận, kiện cân cốt.

Phương thuốc: dùng bài Bát vị quế phụ (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đan bì, bạch phục linh, trạch tả, nhục quế, phụ tử), gia thêm những vị thuốc có tác dụng bổ gân cốt như: đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, cẩu tích, phá cố chỉ, tang ký sinh, ngũ gia bì; và cao xương động vật như: cao dê toàn tính, cao rắn.

Trong cả hai trường hợp, nếu có đau nhức, đau một hoặc nhiều nơi trên cơ thể thì có thể gia thêm những vị thuốc có tác dụng hóa ứ, thông khí, giảm đau như: xích thược, nhũ hương, một dược, hương phụ, ngũ linh chi, địa long, uy linh tiên.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng chủ yếu dùng các loại thực phẩm giàu calcium (sữa bò, sữa đậu nành, sữa chua, phô mai, nghêu, sò, ốc, hến, trai, hàu, cua đồng, tôm), các loại thực phẩm có chứa nhiều axít béo omega-3, vitamin D, như: cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá bơn, các loại cá nhỏ có thể ăn luôn xương như: cá mòi, cá cơm…; các thực phẩm giàu vitamin D (nấm ăn, lòng đỏ trứng, dầu ăn, các loại đậu hạt như mè, đậu phụng, hướng dương, hạt óc chó, hạnh nhân…), protein thực vật, thịt cá dễ tiêu hóa và các chất chống oxy hoá từ rau củ quả tươi (dâu tây, kiwi, bơ, thơm, lựu, cam, chanh, bưởi, táo tây, giá đậu, bắp cải, cải soong, cần tây, rau cải, rau diếp, bông cải xanh, măng tây, cà chua, dưa leo…).

Ngũ cốc (các sản phẩm từ lúa mì, gạo, bắp, mầm lúa mì…). Cần lưu ý là nếu muốn bổ sung canxi thì khi ăn các thực phẩm cung cấp calcium, nên ăn các loại thức ăn làm từ bột lúa mì cách trước đó 2 – 3 giờ, hoặc sau đó 2 – 3 giờ.

Tránh dùng các loại thức ăn nhiều muối, quá nhiều đạm (nhất là các loại thịt đỏ), các thức ăn có chứa nhiều retinol (dẫn xuất của vitamin A) như: gan, lòng đỏ trứng gà (tuy nhiên, dạng beta carotene của vitamin A có trong khoai lang và cà rốt không gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của xương).

Hạn chế các thức uống chứa nhiều caffein, các loại nước soda…

Tóm lại, để tăng cường sức khoẻ cho xương, phòng ngừa bệnh loãng xương thì nên có một chế độ luyện tập, vận động thích hợp, tiếp xúc với ánh nắng khoảng 30 – 60 phút/ngày (tốt nhất vào lúc 7 – 9 giờ sáng hoặc 4 – 5 giờ chiều), ăn uống cân bằng, hợp lý như: ăn ít muối, tăng cường lượng rau xanh, hoa quả trong bữa ăn, hạn chế các thức ăn chế biến sẵn, các thực phẩm chứa nhiều mỡ, các thức uống có gas, thức uống ngọt và có chứa hàm lượng caffein cao.

Sau đây là một số món ăn ngon miệng lại rất có ích trong việc phòng và chữa loãng xương:

Nghêu xào hoa hẹ:

Nghêu 500g, hoa hẹ 300g, tỏi băm, bột nêm, nước mắm, dầu ăn, ớt.

Nghêu ngâm nước, rửa sạch, luộc cho vừa mở miệng, gỡ lấy thịt, ướp nghêu với bột nêm và tiêu khoảng 10 phút cho thấm gia vị. Hoa hẹ rửa sạch cắt khúc khoảng 4cm.

Bắc chảo phi thơm tỏi băm, sau đó cho nghêu đã ướp vào xào săn, tiếp tục cho hẹ vào xào chín. Nêm bột nêm vừa ăn. Múc ra đĩa, thêm ớt xắt lên trên.

Món ăn này có tác dụng bổ thận, thanh nhiệt khai uất, trừ phiền, có ích cho người bị loãng xương, đàn ông bị liệt dương, phụ nữ bị lãnh cảm do can khí uất kết.

Canh hến nấu rau bồ ngót:

Nguyên liệu:

– Hến: 1kg

– Rau bồ ngót: 200g

– Nước mắm, muối, bột ngọt.

Cách làm:

– Hến đem ngâm, rửa sạch đất cát, cho vào nước ngập 2/3, thêm ít muối, luộc chín, đãi lấy thịt hến, để ráo nước. Nước luộc hến lọc lấy nước trong.

– Rau bồ ngót tuốt lấy lá, rửa sạch, vò sơ cho mềm.

– Đun sôi nước luộc hến cùng lượng nước vừa đủ, cho thịt hến vào, nêm nước mắm vừa ăn. Trút rau bồ ngót vào, đun sôi. Rau chín thì nêm ít bột ngọt, tắt bếp. Múc ra tô. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Công dụng: món canh hến nấu với rau bồ ngót kết hợp tác dụng của hai loại thưc phẩm này nên rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, người bị loãng xương, trẻ em suy yếu, hay bị mụn nhọt (tác dụng bổ dưỡng, giải độc), trẻ bị nhiệt trong mùa nắng nóng, gây táo bón, khó tiểu.

Ngoài ra, món canh này còn cung cấp cho trẻ một lượng calcium đáng kể, giúp tạo xương tốt hơn.

Nguồn: Lương y Đinh Công Bảy ( SK & ĐS )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *