Dưa có “đông con cháu”, ngoài công dụng làm món ăn, nước giải khát, dưa còn có nhiều giá trị khác mà ít người biết.
Khởi đầu là dưa hấu. Dưa hấu đỏ, ngọt nên thường được dùng để tráng miệng và ép nước uống. Xưa, ai gọt dưa đãi khách mà còn dính vỏ trắng bị coi là… không mến khách, nhưng thực chất đây là vị thuốc có công dụng…. ngừa bệnh cao huyết áp, lợi tiểu. Do dưa hấu có tính hơi hàn nên những người bị tiêu chảy, hay đau bụng không nên dùng dưa hấu nhiều.
Dưa leo được dùng nhiều trong các món cuốn: thịt bò cuốn lá lốt, bò cuốn mỡ chài…, dưa leo còn hiện diện trong các món bún: bún nem nướng, bún chả giò, bún bì… Còn trong các món xào thì dưa leo “hợp tấu” cùng cà chua, thơm… tạo nên vị thơm ngon cho các loại hải sản đi kèm. Dưa leo còn dùng làm mắm. Món dưa mắm, khi ăn chỉ cần xắt mỏng, trộn thêm đường, tỏi, ớt cùng thịt heo luộc là đã ngon đến quên… tên. Ngoài ra, dưa leo còn dùng để dưỡng da. Chỉ cần xắt mỏng dưa leo đắp lên mặt, nằm im độ 15 phút, da sẽ hút hết dưỡng chất có trong dưa leo. Người xưa còn dùng dưa leo đắp mặt để chữa những vết nhăn (do da mất độ ẩm), da xù xì, vết tàn nhang. Sau khi lột lớp dưa ra sẽ thấy da mặt mịn màng, sạch sẽ. Tuy nhiên, điều cần nhớ là không nên ra nắng vì da sau khi no đủ sinh tố rất dễ bắt nắng.
Ăn dưa leo cũng là cách để giảm cân vì chúng cung cấp nước và sinh tố, chất xơ nhưng năng lượng thấp vô cùng. Dùng dưa leo còn ngừa được từ xa bệnh táo bón, là một trong những cách giúp cho làn da tươi trẻ hồng hào. Bài thuốc dân gian còn cho rằng, khi bị nhức đầu, ăn dưa leo thì cơn nhức đầu sẽ giảm bớt. Nhưng điều thấy rõ nhất là dưa leo có thể dùng làm sạch miệng sau khi ăn những món nặng mùi. Công dụng “tẩy rửa” này có được là nhờ dưa leo chứa nhiều nước và chất xơ. Những vị thuốc và cây thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi còn hướng dẫn cách chữa nứt nẻ môi bằng cách dùng dưa leo tươi xát lên môi. Còn da bị mẩn đỏ thì dùng nước ép dưa leo bôi lên nhiều lần trong ngày sẽ thấy dịu dần.
Dưa bở rộ vào mùa nóng, lúc mà nhiều người bị nhiệt, đầy rôm sảy… có thể nói đây là tặng phẩm của trời đất giúp con người giải nhiệt. Dưa bở có mùi thơm nhưng nhạt, khi ăn nạo bỏ hạt, gạn lấy nước, pha thêm đường đá rất thơm ngon. Tuy nhiên, nếu muốn “thuốc” phát huy tác dụng giải nhiệt thì nên pha với đường thốt nốt, pha ít ngọt, xắt miếng to. Ăn thường xuyên dưa bở sẽ thấy da mịn màng, tươi mát, không nổi mụn. Song, dưa bở là “hàng cấm” đối với những ai hay bị trướng bụng, đi tiêu ra nước…
Dưa gang dễ trồng, sai trái… dùng để ăn giải khát như dưa hấu. Khi ăn không hết người ta dùng làm mắm. Mắm dưa được làm công phu hơn dưa muối, nhưng dễ dàng so với các món ăn khác. Dưa gang trước khi làm mắm cần cho ngậm muối để dưa “quắt” lại, sau đó xả nước sạch. Mắm nêm – loại mắm được làm từ cá cơm, lấy luôn cái, pha thêm độ ngọt, cay cho vừa ăn. Cho dưa và mắm vào lọ niêm kín, hôm sau có thể ăn được rồi. Khi ăn trộn thêm thơm xắt mỏng. Món này ăn với cơm, thịt ba rọi luộc rất ngon. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch không nên dùng món này vì lượng muối nhiều.
Theo Phunuonline