Con Đuông có hình dạng như con sâu, có màu trắng sữa, mềm nhũn, thân nó có nhiều lông măng, không có chân, chỉ cử động thun ra thun vô. Nguồn: baodatviet.vn
Những thực phẩm làm từ dừa nhiều vô kể, nhưng những món ăn được chế biến từ con Đuông dừa thì ít ai biết đến trừ người bản xứ, món ăn được liệt vào hàng "đặc sản kinh dị".
Đuông là ấu trùng của loại bọ cánh cứng như con Kiến dương, Bọ rầy, nó đặc biệt thích ăn củ hũ dừa, chúng đục phá trên các cổ hũ non mềm ở ngọn cây. Đến tuổi trưởng thành, sau khi giao phối chúng tìm cây dừa nào khỏe và tốt nhất để đục lỗ rồi đẻ trứng trong đó. Trứng phát triển thành ấu trùng trong thân cây dừa, đến khi ấu trùng lớn cỡ bằng ngón tay thì gọi là Đuông. Củ hũ là phần lõi non nhất – là phần "tủy sống" của cây dừa, nó trắng, dòn, ngọt và ngon. Nhờ vậy con Đuông có vị ngọt, béo rất hấp dẫn. Đuông có xuất thân từ cây dừa nên người ta gọi là Đuông dừa.
Với Đuông, người ta có thể làm rất nhiều món khác nhau như: tẩm nước mắm ăn sống, Đuông tẩm bột chiên, Đuông rang, Đuông nướng, Đuông luộc nước dừa, Đuông nấu cháo, Đuông hấp xôi, Đuông gỏi cổ hủ dừa. Các món Đuông thường thích hợp nhất khi đi kèm với rượu trắng chát, hoặc một vài ly rượu cúc nhẹ, chứ không hợp với rượu đế có nồng độ cồn cao. Đuông cũng thường được thưởng thức theo cách nhấm nháp và hiếm khi kết hợp với các loại đồ nhắm, rau, dưa khác, …
Theo dân "ghiền" ăn thì Đuông nướng là ngon nhất, món này nhờ để nguyên con mà nướng, không tẩm ướp nên nó còn nguyên hương vị của con Đuông, một phần nhờ nướng vàng lớp da bên ngoài mà khi ăn cũng bớt cảm giác ngán. Nhưng cũng có ý kiến Đuông tẩm nước mắm mới ngon nhất vì món này dùng khi con Đuông còn sống "ngọ nguậy trong nước mắm", ăn sống vừa "nguyên chất" vừa béo bổ.
Đuông là món đặc sản ngon bổ nhưng rất quí hiếm. Dẫu biết con Đuông ngon, hấp dẫn nhưng muốn có được Đuông người ta phải hạ cây dừa xuống, chẻ ngọn ra mới bắt được nó, coi như bỏ luôn cây dừa. Kiến dương, Bọ rầy thường chọn những cây dừa phát triển tốt, trồng được năm mười năm làm nơi để đẻ trứng, nên không người nào dám hy sinh cây dừa để bắt Đuông, chỉ chờ khi thấy cây dừa nào vàng lá, rũ đọt, tức chắc chắn cây dừa sẽ chết, thì người ta mới đốn cây dừa xuống để bắt Đuông.
Người ta gọi Đuông là món đặc sản "kinh dị" vì con Đuông có hình dạng như con sâu, có màu trắng sữa, mềm nhũn, thân nó có nhiều lông măng, không có chân, chỉ cử động thun ra thun vô…
Khác với Đuông chà là, Đuông cau, Đuông mía,… mỗi cây chỉ có một con làm "bá chủ", Đuông dừa làm ổ hàng trăm con trong một cây dừa, mỗi con khoét một lỗ, cứ ăn cho tới khi nào nát ruột của đọt dừa thì thôi. Cho nên, hầu như con Đuông non nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn.
Đuông bây giờ không còn là món "lạ" nữa, cũng chẳng là món đặc sản duy nhất của miền nào, bởi nơi nào có trồng dừa là có Đuông. Ngày xưa, Đuông là món để dâng cho vua Minh Mạng. Vì ghiền món Đuông nên nhà Vua cho thợ chạm khắc hình con Đuông trên cửu đỉnh đặt ở Thế miếu ngoài cung đình Huế. Và xem Đuông như là một sản vật lạ và quý của nước Nam…
Ở Sài Gòn, một số quán nhậu có bán Đuông với đầy đủ các món, giá bán khoảng từ 15.000 – 30.000 đồng một con, vì giá khá cao nên khi chọn món Đuông chúng ta có thể gọi một phần chỉ một con để nhâm nhi thử…
Bây giờ, người ta đã sản xuất được nhiều loại thuốc dùng để tiêu diệt Đuông không cho chúng ký sinh và giết chết cây dừa. Đuông dừa ở miền Tây đã gần như "tuyệt chủng". Còn chăng đó là Đuông bắt từ cây chà là, cây cau, hay là do những ai ghiền Đuông thèm chúng quá nên phải tìm cách nuôi chúng trong thân cây mía… mà thôi!
Theo Phụ nữ online