Từ lâu, dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng thân, lá và quả non đậu bắp có vị hơi chua, mát để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa ho khan, viêm họng… ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì và cả ung thư.
Đậu bắp còn có nhiều tên gọi khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê, okra (Anh), có tên khoa học cũ gọi là Hibicus enculentus L. (Albelmoschus enculentus Wight et Arn) thuộc họ Đông (Malvaceae). Là loại cây có nguồn gốc từ Tây Phi, có khả năng chịu đựng được nóng bức và khô hạn tốt, được gieo trồng ở những vùng nhiệt đới hay ôn đới, thấy phổ biến tại miền Nam Hoa Kỳ. Ở nước ta, đậu bắp được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Loài này là cây một năm hoặc nhiều năm, cao tới 2,5m. Lá dài và rộng khoảng 10 – 20cm, xẻ thùy chân vịt với 5 – 7 thùy. Hoa đường kính 4 – 8cm, với 5 cánh hoa màu trắng hay vàng, thường có các đốm đỏ hay tía tại phần gốc mỗi cánh hoa. Quả là dạng quả nang dài tới 20cm, chứa nhiều hạt.
Những công dụng
Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8mg acid folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, acid folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Đối với hệ tiêu hóa, đậu bắp còn có tác dụng nuôi dưỡng những vi sinh vật có lợi trong đường ruột, có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ bệnh nhân bị hội chứng ruột kích ứng và các rối loạn hệ tiêu hóa. Vì vậy, khẩu phần ăn hằng ngày có kèm đậu bắp sẽ rất tốt cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Chất nhầy và chất xơ có trong đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách điều hòa sự hấp thu của chúng từ ruột non. Chất xơ của đậu bắp cũng là một “vệ sĩ” của hệ tiêu hóa. Khi vào hệ tiêu hóa đậu bắp sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những vi khuẩn có lợi, có thể sánh ngang tầm với sữa chua, giúp tổng hợp các vitamin nhóm B. Chất xơ có tác dụng hấp thu nước làm thành khối lớn trong phân, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa táo bón. Đặc biệt, chất nhầy có tác dụng bôi trơn hệ thống ruột, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa cho mẹ bầu. Mặt khác trong quá trình mang thai cũng như sau sinh, nhiều bà bầu gặp phải tình trạng bị rụng tóc, da nổi mụn, kém mịn màng, hồng hào, nếu đưa món đậu bắp vào khẩu phần dinh dưỡng sẽ giúp đầy lùi chứng bệnh này. Bởi đậu bắp được xem như mỹ phẩm giúp đẹp da, mượt tóc, giữ vẻ trẻ trung cho đôi mắt, tăng cường sức khỏe nhờ bên trong thân hình “nhỏ con” chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magne.
Đậu bắp còn giúp giảm cân sau sinh vì đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy giảm cân sau sinh; kiểm soát lượng đường trong máu. Đậu bắp chứa calories thấp nên là thức ăn lý tưởng cho những người đang muốn giảm cân. Để hưởng được lợi ích sức khỏe tối đa của đậu bắp nên nấu nướng ở nhiệt độ thấp để chất nhầy ít bị thất thoát. Protein và dầu có trong hạt đậu bắp được xem là một loại protein hạng nhất đồng thời rất nhiều amino acid thiết yếu cho cơ thể như tryptophan sẽ giúp tinh thần thoải mái, ngủ ngon giấc…
Một số cách dùng đậu bắp trị bệnh
Giúp sáng mắt, đẹp da: đậu bắp có chứa nhiều sinh tố A nên giúp phòng ngừa các căn mệnh về mắt và da, giúp duy trì thị lực tốt cũng như mang lại cho cơ thể một làn da tươi nhuận.
Giúp hạ mỡ máu: ăn đậu bắp thường xuyên góp phần kiểm soát lượng cholesterol xấu trong cơ thể, bởi trong trái đậu bắp có chứa các dưỡng chất thiết yếu có tác dụng làm giảm thiểu cholesterol trong máu.
Phòng và chữa táo bón và các bệnh về dạ dày: đậu bắp rất nhiều chất xơ giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón, bệnh trĩ, đau dạ dày và cải thiện tiêu hóa rất hiệu quả. Bên cạnh đó, chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng.
Giúp tóc xanh, bóng mượt: cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ rồi đun sôi và để nguội. Sau đó, trộn nước đậu bắp với nước cốt chanh rồi thoa lên mái tóc như là hỗn hợp dầu gội đầu. Khoảng 20 phút sau thì gội đầu với nước sạch.
Giúp ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi: đậu bắp cũng chứa nhiều acid folic rất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt, đối với những phụ nữ mang thai, acid folic rất quan trọng vì chất này giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Giúp cải thiện sinh lý cho quý ông: một nghiên cứu gần đây cho hay, đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông.
Trị viêm đường tiết niệu (biểu hiện tiểu tiện khó khăn): dùng quả đậu bắp non thái mỏng nấu ăn trong bữa cơm.
Chữa ho hay viêm họng: lấy lá và rễ cây đậu bắp thái nhỏ phơi khô. Ngày sắc 10 – 16g, lấy nước uống hoặc hãm uống thay trà hay súc miệng.
Món canh trị đái tháo đường: nguyên liệu gồm: đậu bắp 2 quả, lá sa kê non 1/2, đọt ổi 5 cái, đậu hũ non 1 miếng, muối vừa đủ. Đậu bắp cắt khúc, lá sa kê thái sợi, đọt ổi non rửa sạch, đậu hũ cắt miếng vừa ăn. Bắc nồi nước lên bếp đun to lửa đến sôi già, cho đậu hũ và đậu bắp vào, khoảng 2 phút sau cho lá sa kê và đọt ổi, nêm gia vị vừa miệng, ăn nóng với cơm.
Cần lưu ý; do đậu bắp có tính mát, những ai hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không nên dùng đậu bắp và khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải nhằm bảo toàn nguồn dinh dưỡng.
Nguồn: BS. Hoàng Xuân Đại (Sức khỏe và Đời sống)