Ở nông thôn, nói ra sợ bà con cười, thực ra, sống nơi thôn dã có khi cả tháng chưa xài "tiền". Gạo thì trong lu, cá – tép thì dưới sông, ao đìa bắt lên cũng qua ngày, rau thiên nhiên ban tặng không thiếu, nước mắm tự làm, ăn quanh năm. Ngoài ra rau củ quanh vườn, dưới ruộng cũng nhiều : trên bờ thì có củ khoai, củ mì; dưới ruộng có củ súng, củ sen. Nơi đồng ruộng, đáng nhớ vẫn là củ co, góp phần phong phú món ăn đồng nội. Những năm mất mùa, củ co cũng được thay gạo để no lòng.

Giàu thì tôm cá, thịt kho

nghèo thì khoai chuối, củ co no lòng.

Củ co mọc ở bưng biền, ruộng nước. Dây củ co hình dáng giống như bông súng, nhưng nhỏ hơn. Bông súng cọng to bằng chiếc đũa, còn dây củ co nhỏ bằng tăm nhang, lá nhỏ bằng cái chén, mặt trên xanh đậm, mỏng, mềm mại.

Ngày xưa, ruộng bưng có nhiều củ co. Sau buổi cấy, nhổ cỏ, các mẹ, các chị, các bà thường hay lội xuống ruộng móc củ co, mỗi bụi cho một củ. Người "móc" củ co phải có chút kinh nghiệm mới có được nhiều và củ to. Nhìn lá củ co già, lá bạc màu, hơi khô sẽ cho củ co đủ chất béo, bùi. Người "móc" củ co chỉ nhìn lá, cứ thế mà tiếp tục, chẳng bao lâu đầy rổ, đầy "túm" khăn. Ngày xưa, mẹ đi cấy thường mang về một "túm" khăn đầy củ co. Đó là món quà mẹ dành cho con. Dù bữa cấy về sớm hay trễ, mẹ cũng lội ruộng móc củ co, để con mẹ vui và no lòng.

Móc củ co ướt cả người, phải khom sâu xuống nước vì củ co nằm sâu trong đất. Củ co có màu nâu đen, to – bằng trái cau, nhỏ – bằng viên bi, chung quanh có nhiều sợi tua tủa, mềm mại, phất phơ. Trước khi nấu, người ta rửa sạch, lặt rễ. Bấy giờ củ co tròn trịa, dễ nhìn, chẳng kém gì củ khoai. Khi nấu để ngập nước, cho thêm tí muối. Dùng chiếc đũa, hoặc cây nhọn đâm xuyên thủng là củ co đã chín. Bắc nồi xuống, đổ ra rổ, khói bay thơm lừng. Đợi khoai nguội, lột vỏ. Củ co bấy giờ màu trắng đục, mùi thơm hây hây củ co lẫn mùi nước ruộng, mùi đất đồng, nhưng nổi bật vẫn là đặc trưng mùi thơm củ co đồng nội.

Bột củ co dẻo, ngọt, bùi, béo, thơm đều có đủ. Sau này, người ta nói chất bột củ co có nhiều chất đạm, dùng tốt cho trẻ con lẫn người lớn, không biết có đúng không, hay người ta nói để xoa dịu người nghèo nơi thôn dã. Nhưng ai nói sao nghe vậy, riêng tôi vẫn thấy thích và nhớ mùi củ co đồng nội, lúc đói cũng nhờ nó để no lòng. Mỗi buổi sáng đi học, ăn vài củ co, uống một gáo nước mưa, coi như buổi điểm tâm "chắc dạ", còn đem theo vài củ dùng trưa, coi như sống được một ngày thoải mái, khỏi bận tâm về "tiền" ăn uống.

Sau này, người ta chế biến củ co thành món ăn sang hơn bằng cách nấu củ co chín, lột vỏ để nấu chè đậu xanh. Chè củ co ngon không kém chè khoai, mà còn đậm đà tình quê. Nói sao cho hết cái tình quê, nơi đó cái gì tôi cũng thấy thân thương, cái gì cũng thấy như che chở và nuôi sống con người.

Huỳnh Phong Lưu – Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *