Nơi đây có cách nấu khác hẳn với cháo lòng trong Nam, ngoài Bắc. Cháo phải nấu làm sao để hột cơm chín đều mà không nát, nước cháo trong vắt, đậm đà thơm ngọt. Khi luộc lòng nên bỏ thêm một ít phèn chua, để lòng trắng và giòn. Lòng chín vớt ra thái thành miếng, còn nước thì cho tiếp các thứ xương đập giập, chân giò, gân bò, heo vào đun để lấy nước dùng. Nồi nước "hầm" này đem lại hương vị đặc trưng của cháo lòng Huế.

Lúc nêm gia vị, nhớ đun lửa lớn để gia vị (người Huế gọi đồ màu) thấm dần vào từng hạt gạo. Thêm nước mắm, muối, hành thái nhỏ, để lửa riu riu giữ độ nóng vừa phải mà không làm hạt cơm mềm thêm.

Món cháo này điểm tâm vào buổi sáng hoặc để "giả rượu" buổi chiều thì tuyệt ngon. "Phố cháo" có năm quán cháo hợp thành một dãy rất dễ nhận, mái rêu phong, tường ám khói, những bà chủ tóc bạc phơ. Bí quyết nấu nướng mỗi quán mỗi khác nhau, nhưng đều đem lại hương vị đặc sắc, muôn màu muôn vẻ, người sành ăn mới phân biệt được.

Dân dã là thế mà nơi đây từng đón các văn, nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao, Mường Mán, Trần Ngọc Tuấn…

Trong tiết trời se lạnh lập xuân, ngồi bên bếp lửa hồng đun bằng trấu, xì xụp tô cháo lòng nóng hổi, thú vị đủ điều!

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *