Quê tôi nằm sát cửa biển, đoạn sông Thạch Hãn chảy qua làng là vùng nước lợ nên cá tôm rất dồi dào. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn về mang theo những loài cá nước ngọt, đến mùa hạn, thủy triều dâng cao mang cá biển vào sông. Cũng vì thế mà nghề truyền thống của làng tôi là nghề chài lưới. Dọc theo bờ sông là những vó rớ nằm san sát nhau, ban đêm ánh đèn từ những chòi canh cá hắt vào bờ tạo nên những vệt sáng lung linh, huyền diệu.
Đánh bắt cá me bằng vó rớ chỉ diễn ra vào ban đêm, vì chỉ đêm về, cá mới theo bầy đàn đi ăn. Khi vó rớ được thả xuống nước, người ta thắp sáng đèn măng xông nhử cá tới, đợi hơn một giờ là có thể cất vó lên. Cá me thường được những vó rớ cất lên vào lúc 9 đến 10 giờ đêm. Muốn ăn cháo cá me tươi thì phải ăn vào ban đêm, khi cá vừa được đánh bắt lên mới ngon.
Cháo cá me nấu rất đơn giản. Rửa sạch cá (phải là cá còn nhảy lách chách trong rổ) đợi khi nồi cháo gạo đã nhừ thì bỏ cá vào, chờ nước sôi lại một lúc, sau đó cho thêm gia vị, hành lá và ớt tươi. Cháo cá me phải ăn lúc nóng mới ngon, nước cháo ngọt, thơm hành, cay ớt… Thật tuyệt!
Những người con của làng tôi đi xa, mỗi khi gọi điện hỏi thăm nhau đều nhắc: “Mong được về làng, ngồi với nhau bên nồi cháo cá me nóng hổi, vừa ăn vừa thổi để thưởng thức hương vị quê nhà”.
Theo PNO