Đôi khi người ta thấy ở một góc nào đó của những cái chợ chồm hổm vùng ven thành phố hình ảnh một phụ nữ quê bày bán mớ hàng bông nhà vườn với vài chục trái khổ qua đèo, dăm ba cái mụt măng mới xắn, bó hành hương nhỏ rít, nhúm ớt hiểm đỏ ối và rổ lá gai xanh ngọt màu đọt chuối… Những thứ hàng bông “nhà quê” thứ thiệt này hình như đã trở thành hàng hiếm trong thời buổi cái gì cũng có thể nuôi trồng đại trà.
Có lẽ ở những xìa hàng bông này người ta mới thấy cái món lá gai lạ đời, trong khi đó cây lá gai là một loài cây hoang dễ mọc, dễ trồng nhưng chẳng được mấy người biết đến. Ngày trước lúc chưa đô thị hoá cây lá gai mọc khắp nơi ở vùng Thạnh Lộc – Hóc Môn (bây giờ là quận 12), khi cần ghé hái một mớ về nấu canh chua. Nhà nào ưa thì trồng một vài cây trong nhà. Chỉ cần cắt một nhánh đem ghim xuống đất là cây sẽ dễ dàng bén rễ, chỉ cần một hai cây mưa là cành lá xanh um. Cái vị chua dịu của lá gai không giống bất cứ một vị chua nào. Vị chua của lá nửa giống lá chùm ruột, nửa giống lá me non nhưng thanh nhẹ hơn, lá gai lại mềm mại chứ không dai như lá chùm ruột hay hơi xảm như lá me, trong vị chua có chút mùi the the kín đáo.
Canh chua lá gai nấu với cá rô, cá lóc đồng thì mới ra được mùi vị ngon nhất. Bắc nồi nước lên bếp cho sôi, cá lóc cỡ cườm tay hay cá rô lớn non ba ngón tay cho vào rồi nêm ít muối, ít nước mắm, đường cho vừa ăn. Đợi nước sôi bùng thì cho lá gai vào với một nhúm rau tần dày lá. Có người thích thêm vài miếng đậu bắp vào nồi canh. Miệng đang khô đắng nhạt nhẽo, đôi khi không muốn bưng chén cơm lên nhưng chỉ cần húp một chén canh chua lá gai sẽ thấy ngon miệng liền. Canh chua lá gai còn một điểm lạ là phải ăn với nước mắm y giằm ớt hiểm nướng. Vài trái ớt hiểm nướng trên lửa than giằm vô dĩa nước mắm nhỉ để chấm cá hoặc chan vô canh cho ra một vị ngon không thể so sánh.
Canh chua lá gai thì có thể tóm tắt trong một từ “dễ”: dễ trồng, dễ nấu và dễ ăn. Vị của lá gai, quyện chung với rau tần dày lá và cá cho ra một hương vị đồng nội gần gũi đến lạ lùng.
Theo sgtt