Có thể trong miền Nam hay ngoài Bắc nghe “cá hố muối sư” thì lạ, chứ dọc theo chiều dài đất Trung bộ thì nhớ ngay, còn cảm thấy thèm là đàng khác.
Từ thời điểm này trở đi, biển đã có cá hố và kéo dài đến gần kỳ trái mùa cuối năm, mùa rộ nhiều từ tháng 5 – 7 âm lịch. Ngư dân đánh bắt bằng lưới vây, lưới kéo… hay câu – thú vị hơn cả. Ngày trước câu chỉ cầm dây trên tay, đồ nghề cũng lỉnh kỉnh, nào ống câu, hòn đản, đòn gánh, đuốc… Thuở đó, đốt đèn câu đêm, càng về khuya cá ăn mồi càng mạnh. Nay có đèn điện, cước, lưỡi, chì đúc sẵn… – tuỳ nhắm độ sâu đáy biển mà thả chì nặng hay nhẹ. Câu cá hố cũng được cột liên tiếp thành giàn lưới và đánh cả ngày lẫn đêm.
Không ra biển thì ra chợ cũng có cá hố muối sư, mua về xẻ ướp như vậy, phơi vài nắng; thích ăn nặng mùi một tí thì chỉ phơi ít nắng, gói lá chuối, bọc bao nilông cho vào ngăn mát tủ lạnh – có thể để dành ăn dài ngày. Ngon chẳng phí công của, đến con cá hố khô nhỏ chừng hai ngón tay như dải ruy băng nướng ăn cũng đã tê cả lưỡi.
Cùng họ với cá hố có cá rựa, hình thù tương tự, cũng mùa này biển miền Trung về nhiều, cao điểm là vào mùa thu. Không như cá hố, cá rựa nhiều xương nên thường làm chả để chiên; nấu canh chua lá me, khế; kho tiêu hành; và đặc biệt nấu cháo thì ngọt chi lạ. Chả cá rựa có hai lối làm, thông thường lóc da, nạo thịt, chừa xương rồi lấy thịt giã nhuyễn với củ hành tím, tiêu, tỏi, tí muối, mắm. Cách khác, chọn con vừa, dài chừng 50 – 70cm; to quá thì xương cứng, nhỏ quá thì thịt nhão vì chỉ bỏ phần đầu, còn lại băm nhỏ cả xương, da cho đến khi nhuyễn; trộn với gia vị như trên. Cháo sôi thả viên chả vào hay đánh tơi cùng với cháo – lợn cợn tí xương, thơm ngọt khó chê được. Điệu nghệ hơn, lấy xương cá nấu nước dùng để làm cháo và gạo phải rang lên hơi ửng vàng là đạt; khi đó cháo sẽ trong, không đổ nhựa và quyện đặc.
Theo sgtt