Bánh trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc, loại bánh này có lịch sử rất lâu đời, sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư, bánh này có thể coi như là thuỷ tổ của bánh trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Mè, hạt Hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào. Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh Hồ Đào.
Đến thời Đường trong dân gian có những người hành nghề làm bánh, ở thành phố Trường An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh Hồ Đào, thuởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh Hồ nghe không hay nên đặt tên là bánh Nguyệt cho thơ mộng hơn, nên từ đó về sau Bánh trung thu có tên là Bánh Nguyệt mà người Trung Quốc dùng cho đến bây giờ.
Bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ.
Nghề làm bánh trung thu ở Sài Gòn xưa
Nghề làm bánh trung thu ở đất Sài Gòn bắt nguồn từ những người đầu bếp Trung Quốc. Trước 1945, trục đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn, là trung tâm buôn bán sầm uất. Dọc trục đường này mọc lên dãy phố cao lầu, tửu điếm, hiệu buôn nhộn nhịp người mua kẻ bán, ăn uống, đàn ca hát xướng. Vào mùa trung thu, các loại bánh nướng, bánh dẻo được làm thủ công, bày bán nhưng còn rất thưa thớt. Tới những năm 50 của thế kỷ trước, các quầy bánh trung thu mới bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng cũng chỉ quanh quẩn khu vực Chợ Lớn. Đến những năm 60, bánh trung thu mới được tiêu thụ rộng rãi hơn ở Sài Gòn – Chợ Lớn, và bắt đầu được người dân các tỉnh miền Nam bộ và Trung bộ ưa chuộng. Lúc này, những cái tên Đồng Khánh, Long Xương, Tân Tân, Đại Chúng, Đông Hưng Viên… đã trở thành những thương hiệu quen thuộc với người dân nơi đây.
Bánh trung thu ngày xưa chia làm 2 nhóm: nhóm bánh dẻo và nhóm bánh nướng. Bánh dẻo xuất hiện trước bánh nướng. Trước đó cả tháng trời, các hãng bánh đã lo thu mua nguyên liệu làm nhân bánh và các loại gạo nếp ngon để làm áo bánh. Bánh dẻo bắt mắt nhất là phần áo, phải vừa trắng vừa mềm vừa mịn, hiện rõ đầy đủ các nét chìm nổi của bông hoa 8 cánh hoặc 10 cánh, ăn vào ngọt đậm, thơm dịu. Bí quyết này phụ thuộc vào tay nghề thợ chính. Gạo nếp đem rang rồi xay, hoặc giã nhỏ mịn, nhào với nước đường thắng ủ hương bưởi. Phần nhân bánh gồm mứt hạt sen, hạt bí, hạt dưa, hạt mè, hạnh nhân… ủ trộn với đậu xanh hoặc đậu đen, khoai môn… qua nhiều công đoạn xử lý với những bí quyết tạo mùi hương riêng độc đáo. Bánh dẻo ban đầu chỉ có nhân ngọt. Về sau, người ta mới phá cách cho thêm trứng vịt muối, lạp xưởng, gà quay… vào.
Bánh nướng với phần áo được nướng vàng đậm nhạt tùy theo ý thích khách hàng, còn phần nhân được làm với gà quay, heo quay, yến sào, vi cá, bánh 1 trứng, 2 trứng… tùy theo sự ngẫu hứng của người làm.
Bánh trung thu ngày nay
Qua thời gian, nghề làm bánh trung thu dần dần được người Việt học tập và sáng tạo ra những hương vị mới. Ngày càng xuất hiện nhiều nhãn hiệu bánh trung thu nổi tiếng của người Việt.
Bánh trung thu rau câu |
Ngày nay, cứ vào mỗi mùa trăng rằm tháng 8 là phố phường Sài Gòn tràn ngập các cửa hàng bán bánh trung thu với vô vàn các chủng loại bánh. Từ bánh dẻo đến bánh nướng, từ các loại bánh cổ truyền đến hiện đại, từ bình dân đến cao cấp….
Tuy nhiều loại bánh là thế, nhưng với những người thuộc thế hệ trước ở Sài Gòn thì chỉ có những loại bánh trung thu của ngày xưa mới đem lại cho họ trọn vẹn hạnh phúc mùa trăng rằm.
Theo monngonsaigon,chudu24