Vùng châu thổ phương Nam phì nhiêu đã sản sinh ra những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm. Từ những hạt gạo ấy, người phụ nữ Sóc Trăng đã chế biến ra một loại bánh ngon: bánh cóng Sóc Trăng.
Một chiều nào trời trở gió, trên con đường về vùng quê này, hãy ghé vào một quán nhỏ. Bên bếp lò lung linh ngọn lửa, ngắm nhìn cô hàng quán xinh xinh, vành khăn rằn che nửa nụ cười, thoăn thoắt đôi tay chế biến, rồi đưa ra mời khách chiếc bánh cóng thơm ngon. Cái nóng sốt, cái giòn rụm, quyện cùng hương thơm ngạt ngào của chiếc bánh vừa chiên xong sẽ khiến khách có một cảm giác lạ lùng, bâng khuâng, để khi chia tay, hương vị ấy còn theo mãi trên đường về…
Nguyên liệu chính để tạo ra chiếc bánh cóng Sóc Trăng là hạt gạo mùa thơm ngon. Một ký gạo, pha thêm ½ ký đậu nành (đỗ tương) ngâm nước qua đêm. Sau đó đem gạo và đậu đi xay mịn, lọc qua rây. Thêm vào trong hỗn hợp một ít nang mực mài mịn hoặc bột nở để tạo độ xốp cho vỏ bánh khi hoàn tất. Chút muối, đường sẽ tạo thêm vị cho vỏ bánh.
Chọn những con tôm thẻ tươi rói vừa đánh bắt ở dòng sông Cửu Long, rửa sạch, cắt bỏ đầu đuôi, rút sợi gân đen trên sống lưng. Băm ½ lượng tôm với thịt nạc heo, sau đó cho tôm và thịt heo đã băm nhuyễn vào hỗn hợp bột nước, quậy cho hoà đều. Nửa tôm còn lại, hấp chín tái. Để sẵn chờ khi chiên sẽ phối hợp tiếp vào bánh.
Đãi sạch đậu xanh, hấp chín, sao cho hạt còn nguyên không nát, trộn gia vị vào đậu. |
Để làm loại bánh cần loại khuôn chất liệu bằng nhôm, hình tròn, đáy bằng, đường kính 5cm, chiều cao 4cm, có tay cầm dài 30cm. Loại dụng cụ này ở địa phương gọi tên là cóng, nên chiếc bánh tạo cũng mang tên ấy.
Cách chiên bánh cóng cũng rất cầu kì. Đặt chảo lên bếp, cho dầu vào ngập bề cao của khuôn bánh. Khi dầu sôi, cho khuôn vào sau đó lấy khuôn ra, nghiêng cho ráo hết dầu. Làm như thế để bột bánh không dính vào trong khuôn. Đổ bột vào khoảng chừng ½ chiều cao của khuôn, sau đó rắc trên mặt ít đậu xanh, đặt một con tôm ở giữa. Nhúng cóng vào dầu đang sôi, chờ một lúc sẽ thấy bánh nổi dần lên. Nghiêng cóng để bánh rời ra trong chảo dầu, lật mặt để làm chín phần kia. Khi bánh chín vàng đều mặt, vớt bánh gác lên trên vỉ cho ráo dầu.
Muốn bánh cóng ngon phải có kỹ thuật pha bột, kỹ thuật chiên bánh. Nhưng thế cũng chưa đủ. Phải có thêm dĩa rau xanh và chén nước mắm đậm đà mới làm nên món ăn đặc sản lừng danh vùng Sóc Trăng này.
Nước mắm dùng chế biến món bánh thơm giòn này phải là loại nước mắm Phú Quốc được chế biến từ con cá cơm, thêm một ít chua của chanh, chút ngọt của đường, chút cay của ớt, tỏi…đề làm thành một chén nước thơm lừng màu hổ phách, bồng bềnh trên mặt tỏi ớt băm.
Dĩa rau ăn kèm phải đủ loại rau xanh của mảnh đất phương Nam màu mỡ này: xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế chua, chuối chát, dưa chuột… đủ vị chát chua cay nồng… Tất cả được sắp khéo trên chiếc dĩa trắng ngần góp thêm một ấn tượng khó quên trong thực khách .
Theo phụ nữ