Từ những tháng cuối đông kéo dài cho đến đầu xuân, khi các thửa ruộng đã gặt xong, chưa kịp được gieo vụ mới để chừa ra những vuông đất, lại thấy xuất hiện loại cây nhỏ bé mọc lấp vào khoảng trống ấy. Người dân quê tôi gọi là Cải trời. Cái tên Cải trời là do quan niệm “rau của trời cho”, chứ thực ra nó là giống cải dại, không thấy được trồng bao giờ.
Cải trời mọc hiền lành như dền cơm, rau má, rau khúc… Cây cao nhất cũng chỉ vượt quá gang tay, thân có nhánh và lá hơi nham nháp, mọc so le, mép tỉa răng. Thân cây mảnh dẻ có màu nâu nhạt. Vì thế, khi nhìn vào ai cũng thấy vẻ yếu ớt, nhờ màu nâu nhạt ấy mà Cải trời trông cứng cáp hơn giữa trời đất mênh mông. Đến kì nở hoa, Cải trời cũng cho những đốm sáng nhỏ xíu màu vàng để khoe sắc với tất cả các loài cây cỏ hiện diện trên ruộng đồng. Nói chung, ngoài vài điểm khác thì bề ngoài Cải trời trông rất giống cải trồng. Nếu không biết là cây gì thì nhiều người nhìn vào cũng ngờ ngợ một loại cây họ cải tí hon.
Không phải ai cũng biết Cải trời không những ăn được mà còn rất ngon. Cảm giác khi đi qua đầu lưỡi có vị hơi ngai ngái và đắng nhẹ giống như cái đắng của họ hàng nhà cải từ bao đời nay. Nhưng cái ngọt của Cải trời để lại dư âm lâu nhất trong miệng sau khi những âm thanh giòn đến ngạc nhiên của thứ cây bé nhỏ tan ra. Mẹ tôi thường bảo: Cải trời cũng rộ đúng mùa cải trồng, nên nó là thứ cây của nhà nghèo, không mất tiền mua. Mùa của Cải trời bắt đầu khi những cơn gió se lạnh tràn về, khi những người đàn bà thôn quê không biết nắng hay mưa vẫn cứ đội nón trên đầu, bịt kín mặt, chỉ ló ra hai con mắt, mê mải đi hết ruộng này đến ruộng khác tìm hái từ sáng đến trưa, hoặc cả chiều. Đến khi ra về, họ tìm cọng rơm còn vương xót lại trên ruộng từ vụ trước hay loại cây mảnh nào đấy có thể buộc được mà cột thành từng nắm mang về nhà.
Có nhiều năm đã qua, làng quê chìm trong biển nước. Tôi hỏi mẹ, mưa lụt như thế này chắc năm nay không có Cải trời mẹ nhỉ. Bà nhìn tôi cười bảo rằng chắc chắn sẽ có, vì Cải trời vốn dĩ đã có, chẳng bao giờ có ai trồng. Năm nào trời cũng cho người nghèo nên cứ đến mùa là mọc. Bỗng tôi thấy bà tặc lưỡi, thở dài và buông lời lo lắng: Mưa lụt thế này các loại rau rồi chết hết, thế nào cũng nhiều người đi tìm Cải trời. Tôi biết, mẹ không muốn nói mưa lụt sẽ cuốn trôi mọi thứ làm cho nhiều người vốn nghèo lại càng nghèo hơn. Có lẽ trong bà chỉ thầm ước quê tôi cứ mỗi độ đông giá hàng năm sẽ thật ít người phải lặn lội đi tìm Cải trời.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên chập chững vào bếp nấu canh giúp mẹ, bà đã để sẵn thứ rau thập cẩm – rau tập tàng ở rổ. Như một kẻ chu đáo muốn thể hiện, tôi ngồi nhặt lại thật kĩ rổ rau. Lá nào già hay đoạn thân nào cứng quá tôi bỏ đi. Với những loại rau quen thuộc mẹ thường hái ở vườn nhà hay trong ngõ ngoài cổng thì tôi thuộc làu. Duy chỉ có Cải trời hồi đấy là tôi không biết nên cứ nghĩ nó là giống rau dại bị lẫn nên vứt đi. Cho đến một hôm, mẹ mang về cả rổ rau Cải trời và bảo tôi nấu canh. Tôi mới hỏi cặn kẽ rau gì và liệu có ăn được không? Lúc đó tôi mới hay, hoá ra mình không biết Cải trời là vì những người đàn bà quê tôi không bao giờ dắt theo những đứa trẻ con đi hái Cải trời trong cái se sắt của mùa đông miền Bắc và cái lạnh rơi rớt kéo dài suốt từ cuối đông sang xuân.
Qua những trận lụt, Cải trời như được bồi đắp thêm phù sa, non mỡm và nhiều hơn trên mỗi cánh đồng. Trái với suy đoán của mẹ, khi Cải trời được mùa thì cải trồng cũng được mùa. Vì cải trồng là giống cây ngắn ngày, nên qua trận lụt, người ta tranh thủ gieo vẫn kịp.
Khi làng quê có quá nhiều đổi thay. Mỗi thửa ruộng không còn chỉ để trồng lúa nữa nên đất không còn thảnh thơi và hào phóng đón Cải trời. Người ta xen canh dày đặc quanh năm, trong nhiều cây ăn quả, biến ruộng thành ao, thành trang trại chăn nuôi. Dần dần quê tôi chẳng còn mấy người đi tìm Cải trời về ăn. Ngay cả bản thân tôi, nhiều khi cũng bảo mẹ thôi đừng hái Cải trời nữa, rau trong vườn, ngoài chợ rẻ như bèo, tội gì mất cả buổi sáng đi tìm rau. Hồi đầu mẹ còn lặng lẽ đi tìm vì nhớ cái vị của Cải trời trong bữa cơm. Sau rồi những đứa con của mình đã lớn, tuổi bà già thêm, kinh tế cũng khấm khá hơn và Cải trời cũng bị rơi vào quên lãng.
Nhiều năm lăn lộn của cuộc sống phố thị, tôi trở về quê tìm cho riêng mình không gian tĩnh lặng. Nhìn những cánh đồng cằn khô, xơ xác nằm trong khu dự án treo, chỉ thấy lác đác vài cây Cải trời cuối mùa đã vắt kiệt mình cho hoa nở những bông cuối, màu vàng đã không còn tươi tắn. Bỗng nhớ bát canh Cải trời đến nao lòng. Thèm một bữa rau mà không bao giờ ở chợ hay ở khách sạn có. Nhưng chẳng lẽ lại bỏ guốc lội ruộng đi tha thẩn tìm Cải trời cuối mùa? Cải trời có lẽ đã trở thành món ăn của ấu thơ và chỉ có thể nếm nó bằng hoài niệm bất cứ lúc nào, ở đâu mỗi khi nỗi nhớ dành cho quê hương được khơi gợi. Tôi như kẻ đã được trở về tìm lại kí ức của mình, để mong được thấy những khuôn mặt, con người đã quen, đã thân thuộc, những cây Cải trời, những loại rau “hiền như đất” của làng quê mình. Nhưng tất cả đang thưa thớt, mất dần…
Bất chợt những câu hát của mẹ ru năm nào vang vang trong đầu tôi: “À ơi, gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”. Tôi tự hỏi, không biết trong câu hát ngày xưa có phải hát về Cải trời không?
Theo toquoc