Ngày 24/6/1947, bắt đầu nổi lên bí ẩn về đĩa bay mà sau này, người ta gọi là "vật thể bay không xác định" (Unidentified flying object-UFO). Chính phủ nhiều nước đã lưu ý theo dõi UFO và lập hồ sơ mật về chúng…

(Ảnh minh họa: Dailymail)

Hôm ấy, Kenneth Arnold, một phi công nghiệp dư, buôn bán các thiết bị chữa cháy đang bay trên dãy núi Cascade để tìm những di vật còn lại của một chiếc máy bay C-46 mất tích lấy một số tiền công là 5.000 đôla thì bị một quầng sáng, hình chiếc đĩa đuổi theo. Anh quay lại nhìn, thì thấy đến 9 vật thể trong đó, một chiếc bay cao hơn, có vẻ là chỉ huy có hình lưỡi liềm, 8 chiếc còn lại giống như những chiếc đĩa dẹt sáng loá dưới ánh mặt trời. Sau 2 phút rưỡi, tất cả biến mất.

Báo chí khuấy động dư luận về UFO

Lời kể của anh được tất cả các báo chí Hoa Kỳ đăng tải và tiếp đó, với sự nhanh nhạy (có thể vì động cơ câu khách bằng những tin tức giật gân), báo chí thế giới đồng loạt đưa tin lại, làm chấn động dư luận. Chưa bao giờ độc giả cảm thấy một tin tức lạ lùng đến thế, hấp dẫn đến thế và vẫn là những tin nóng cho đến tận ngày nay.

Từ đó xuất hiện một khái niệm về một vật thể “ly kỳ” gọi là đĩa bay và cùng với nó là bao điều huyền hoặc trong cách lý giải của mọi người. Kèm theo bí mật của đĩa bay, mà chắc nếu thiếu điều này thì đĩa bay chẳng thu hút được dư luận, là những giả thuyết về sự xâm lăng của người từ hành tinh khác cũng như về những nền văn minh ngoài trái đất. Sau này, thấy nó chẳng giống hình dạng một chiếc đĩa nữa, mà có thể là một quầng lửa di động, một khối cầu rực sáng, một vật thể thuôn thuôn như điếu xì gà hoặc hình tam giác đều ba đỉnh sáng loà bay vút qua với tốc độ cao hơn hẳn những chiếc máy bay hồi đó và để mở rộng khái niệm người ta gọi là “vật thể bay không xác định”, viết tắt là UFO.

Vào giữa những năm 1960, những báo cáo về UFO nhiều hơn bao giờ hết, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp nơi. Đĩa bay từ đâu đến? Người điều khiển là ai? Họ muốn gì? Liệu những vật thể ấy có đe doạ nền an ninh quốc gia của từng nước nói riêng và nhân loại nói chung không? Với ý nghĩa ấy, nhiều nước đã thành lập những tổ chức (thường thuộc không quân) nghiên cứu UFO thu thập những tư liệu và phân tích tính xác thực của những bức ảnh, những lời khai của nhân chứng để làm sáng tỏ điều này. Chính vì lý do ấy mà việc điều tra được xếp vào hồ sơ tuyệt mật. Ví dụ Mỹ có dự án Blue Book, Pháp có Geipan, sau đổi thành Sepra. Anh có tổ chức đặc nhiệm của quân báo D55, Liên Xô có “hồ sơ xanh” của KGB…

Ồn ào chuyện UFO

Trong khi những thông tin về UFO xuất hiện ở nơi này nơi khác chưa bao giờ nguội lạnh, thậm chí cả “chuyện như thực” về những người ngoài hành tinh, nhiều tổ chức tư nhân ra đời để tiếp nhận và phân tích thông tin. Nhiều hội những người thích tìm hiểu UFO được thành lập. Nhiều sách báo viết về UFO đã được xuất bản công khai. Có đến 6 viện bảo tàng về UFO thường xuyên mở cửa, thu hút không ít khách. Không ít sách báo, tạp chí về UFO làm nhiễu loạn thông tin. Những nhân vật tai to mặt lớn hẳn hoi tuyên bố bản thân mình đã trông thấy UFO như các Tổng thống Mỹ Reagan, Carter.

Phân tích thông tin, người ta nhận thấy bên cạnh những nguồn tin khách quan (tất nhiên không phải luôn luôn đáng tin cậy), có thể do niềm tin mù quáng hoặc hoang tưởng, do sự nhầm lẫn, không loại trừ (tuy chỉ là thiểu số) những nguồn tin hoàn toàn bịa đặt, cố ý xuyên tạc vì một động cơ nào đó (xin nhớ rằng thời kỳ đó, cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 phe đang diễn ra).

Tựu trung, người ta thấy rằng, từ khi xuất hiện những tin tức về đĩa bay, người ta nhìn lên trời nhiều hơn và do đó thấy được nhiều hơn những điều mà trước đây người ta không hề để ý tới.

UFO: Hiện tượng tự nhiên hay là… trò đùa?

Tổng kết lại, UFO có thể là: những hiện tượng thiên nhiên như: sét hòn (một vật thể bay, cháy sáng kéo dài, thường có hình cầu đi kèm với sấm chớp), những thiên thể rơi vào bầu khí quyển và bốc cháy, hệ thống sắp xếp độc đáo của các đám mây… trong điều kiện khí tượng nào đó, những hiện tượng tâm lý như ảo giác hoặc bệnh lý trong giấc ngủ, những hiện tượng “made in trái đất” do con người tạo ra như các khí cầu nghiên cứu thời tiết, vệ tinh, tàu vũ trụ hoặc rất có thể là các vũ khí hoặc phương tiện bay thử nghiệm.

Về mặt chính thống, khoa học không muốn thừa nhận UFO vì chưa có cơ sở và những chứng cớ xác thực. Các tôn giáo không muốn thừa nhận đĩa bay (và nhất là người ngoài hành tinh) khi chúng không tương thích với giáo lý và những niềm tin thiêng liêng của mình (chẳng hạn đạo Cơ đốc cho đĩa bay là tác phẩm của quỷ dữ). Các chính phủ không muốn thừa nhận đĩa bay vì có thể gây ra những đảo lộn xã hội, kinh tế và có thể làm người dân hoang mang, mất niềm tin hoặc có sự hoảng sợ nào đó.

Theo Khoa học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *