Hơn 3000 năm trước, khi tiên dân cổ đại khắc những chữ viết cổ bí ẩn lên từng miếng mai rùa và xương thú, một thế giới cấu trúc đường nét đã định hình. Về sau, những chữ viết này trở thành tác phẩm nghệ thuật cổ quý giá.
Tỉnh Hà Nam là quê nhà của văn hóa Trung Quốc và được nhiều nhà yêu thích thư pháp đời sau xem là cái nôi của nghệ thuật thư pháp. Khảo cổ phát hiện ở An Khư, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam đã cho chúng ta biết được tình hình cuộc sống của người Trung Quốc hơn 3000 năm trước. Ngoài một lượng lớn đồ đồng, phát minh rực rỡ nhất của văn minh cổ Trung Quốc chính là hệ thống chữ viết hoàn chỉnh.
Giáp cốt văn |
Những văn tự cổ được khắc bên ngoài mai rùa và trên xương bả vai của trâu bò nên được gọi là chữ giáp cốt. Chữ giáp cốt không chỉ cung cấp tin tức lịch sử phong phú, mà còn khiến người đời sau nhìn thấy tác phẩm nghệ thuật viết sớm nhất của tổ tiên.
Lúc bấy giờ, trong số người viết chữ Hán đã xuất hiện một nhóm nhà thư pháp. Họ được gọi là "trinh nhân". “Trinh nhân” trông nom hoạt động cúng tế của đất nước. Họ căn cứ nội dung từng hoạt động cúng tế để khắc lời ghi về quẻ bói có liên quan lên mai rùa hoặc xương thú.
Bản sao văn tự cổ Trung Quốc trên mai rùa |
Trong chữ giáp cốt văn khai quật được, nội dung của chữ viết trên một số mai rùa rất kỳ lạ. Trên một mảnh giáp cốt, nội dung giống nhau khắc được vài hàng, trong đó, hàng chữ bên phải viết rất ngay ngắn lưu loát và vài hàng có nét chữ nguệch ngoạc, lủng củng. Theo khảo chứng của ông Quách Mạc Nhược, những mai rùa có nội dung trùng lặp có thể là năm xưa ‘trinh nhân" luyện tập khắc từ, hàng chữ ngay ngắn là thầy giáo viết mẫu, còn những hàng khác có thể là khắc phỏng theo của học trò. Khắc chữ trên mai rùa và xương thú là công việc rất khó khăn. Đây là một kỹ thuật vô cùng phức tạp, rất ít người nắm vững nó.
Chữ giáp cốt khác nhau theo từng thời kỳ và các “trinh nhân” khác nhau chạm khắc đều thể hiện phong cách và diện mạo cá nhân khác nhau trên bố cục, kết cấu của chữ. Có thể nói, vào thời kỳ chữ giáp cốt, người cổ đại đã bắt đầu chú trọng vẻ đẹp và thư pháp vẫn chưa bước vào thời kỳ nghệ thuật tự giác. Trong chạm khắc tràn đầy hàm ý tôn giáo.
Bài minh văn được khắc trên Đại Vu đỉnh bằng đồng |
Chữ viết còn được đúc khắc trên đồ đồng. Người đời sau gọi nó là kim văn. Đường nét chữ viết mạnh khỏe, nhưng do sự ăn mòn của thời gian, nét chữ đã dần mời nhạt.
Qua sự phát triển chậm rãi của chữ giáp cốt và kim văn, thư pháp cổ đại bắt đầu bước vào thời kỳ thành thạo. Văn tự phương Tây xuất hiện cùng lúc với chữ giáp cốt, đa số đều là chữ tượng hình nghĩa rộng. Trong một trình độ nhất định, chữ tượng hình mô phỏng giới tự nhiên và hình ảnh trong cuộc sống.
Từ thế kỷ thứ X trước Công nguyên đến thế kỷ XV, chữ viết Trung Tây phát triển theo con đường khác nhau. Vào đời nhà Chu, trên các đồ đồng xinh đẹp, các tiên dân Trung Quốc khắc chữ viết độc đáo có đủ âm thanh và hình ảnh, và chữ viết phương Tây cùng thời đã phát triển theo chữ cái hóa.
Bắt đầu từ lúc này, chữ viết phương Tây đã mất đi đặc tính nghệ thuật và chỉ bảo lưu chức năng ghi chép thông tin. Ngoài sử dụng vào thực tế, chữ Hán cổ không ngừng dung hòa vào nghệ thuật viết chữ thẩm mỹ và hình thành nghệ thuật thư pháp độc đáo. Dù lịch sử xa xưa để lại cho người đời sau nhiều câu đố, nhưng có một sự thật không nên nghi ngờ : chữ Hán cổ mang tính nghệ thuật đang dần hoàn thiện. Vào thời kỳ Ngụy Tấn, cách chữ giáp cốt đời Ân Thương hơn 1000 năm sau, thời đại thư pháp chữ lệ đã ra đời.
Trong quá trình nghiên cứu thư pháp, người đời sau phát hiện một hiện tượng rất kỳ lạ : từ chữ giáp cốt đến thư pháp hoàn thiện thời Ngụy Tấn, chữ Hán lần lượt xuất hiện 5 loại kiểu chữ khác nhau : triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư, thảo thư.
Triện thư hay Tần triện là kiểu viết trên cơ sở của đại triện, còn gọi là Trụ Văn. Được sử dụng thống nhất vào thời vua Tần Thủy Hoàng.
Triện thư |
Lệ thư là kiểu chữ thông dụng thời nhà Hán. Còn gọi là Hán Lệ, Tả Thư hoặc Bát phân. Kiểu chữ giống tiểu triện, nhưng những nét mác lượn sóng tăng dần lên, trở thành đặc điểm nổi bật.
Lệ thư |
Khải thư còn gọi là chân thư hay chính thư, là kiểu viết chữ ngay ngắn dễ đọc, từng nét rõ ràng rất phổ biến và được xem như chuẩn mực của thư pháp chữ Hán.
Khải thư |
Hành thư là loại chữ viết nhanh nhưng không khó đọc như thảo thư. Được sử dụng nhiều vào thời Tam Quốc.
Hành thư |
Thảo thư còn gọi là Thảo lệ, Kim thảo hay Cuồng thảo. Là kiểu chữ viết biến thể, nhiều sáng tạo, đường nét không rõ ràng, hơi khó đọc. Kiểu viết này được thịnh hành vào cuối nhà Đường.
Thảo thư |
Chữ triện trang trọng mộc mạc, chữ lệ trang nhã cao quý, chữ khải đoan trang tú lệ, chữ hành tự nhiên thoải mái, chữ thảo phóng khoáng, không gò bó. Tuy chỉ là đường nét thể hiện, nhưng bút tích màu đen lại vẽ ra cho chúng ta một thế giới nghệ thuật màu sắc rực rỡ. Vậy sức mạnh nào đã thúc đẩy chữ Hán thay đổi mới mẻ như thế vì từ góc độ sử dụng vào thực tế, vào thời kỳ chữ giáp cốt, chữ Hán đã hình thành một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh.
Hiện nay, theo ước tính, chữ giáp cốt có khoảng 4000 – 5000 chữ. Chữ giáp cốt là một loại ghi chép bói toán, nó không bao gồm tất cả chữ sử dụng trong xã hội lúc bấy giờ. Ngoài ra, có một số chữ hiếm thấy sử dụng trong bói toán. Cho nên, chữ viết cổ chắc chắn vượt hơn 5000 chữ, thậm chí còn nhiều hơn. Chữ viết thông dụng ngày nay không quá 5000 – 6000 chữ.
Hồng Mẫn