Vùng đất ở sơn cốc của người độc mục có tên gọi rất đặc biệt là hồ nước Tam Đạo với ý nghĩa là nơi có 3 hồ nước trên núi cao. Ngày nay, sơn cốc là bãi chăn nuôi của người Kazakh. Mỗi năm, vào mùa hè, sau khi tuyết tan, cỏ mọc tươi tốt nên vùng đất này đã trở thành thiên đường du mục của họ.
Theo tiếng Hán, người độc mục có nghĩa là người canh giữ cô độc |
Năm 1959, sau khi tốt nghiệp khoa khảo cổ Bắc Kinh, ông Vương Minh Triết – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ tỉnh Tân Cương – đã đảm nhận công tác khảo cổ ở Tân Cương. Hiện, ông là chuyên gia nghiên cứu văn hóa thảo nguyên dày dạn kinh nghiệm. Vào hơn 30 năm trước, lần đầu tiên, ông khảo sát đống đá lớn ở hồ Tam Đạo.
Đống đá lớn có chiều cao 15m, đường kính là 90m. Đống đá do vô số hòn đá lớn nhỏ tạo thành. Giữa sơn cốc bằng phẳng lại có nhiều đống đá to lớn đứng sừng sững như thế đã khiến người đời sau rất khó lý giải về sự tồn tại của nó.
Các nhà khảo cổ phát hiện, phía dưới và xung quanh đống đá lớn có một số trụ đá kỳ lạ với hình dáng to lớn, rất khó di chuyển. Trên trụ đá dựng đứng có khắc bức vẽ động vật và hình ảnh trừu tượng nhưng phổ biến là hoa văn 3 đường gạch xiên, vòng tròn, đường hình sợi châu, hoa văn trang trí động vật và các hoa văn binh khí.
Các nhà nghiên cứu thảo nguyên sớm phát hiện ra hoa văn trên trụ đá, do hoa văn thường thấy là hình ảnh của con nai nên họ gọi tên là lộc thạch.
Trong vòng mấy mươi năm trở lại đây, người ta không ngừng tìm thấy một lượng lớn lộc thạch trên thảo nguyên Âu Á.
Theo ông Lữ Ân Quốc thuộc Sở Khảo cổ tỉnh Tân Cương, lộc thạch thể hiện tín ngưỡng tôn giáo cổ đại, 3 đường gạch xiên tượng trưng cho ngũ quan của thầy phù thủy; vòng tròn tượng trưng khuyên tai; đường hình sợi châu tượng trưng vòng cổ; hình ảnh động vật có thể là vật tổ của bộ tộc.
Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ có những lý giải khác với ông Lữ Ân Quốc. Ông Trương Trí Nghiêu cho rằng, hoa văn trên lộc thạch tuy có liên quan đến thầy phù thủy nguyên thủy, nhưng nó mang ý nghĩa khác. 3 đường gạch xiên đại diện cho thiên giới, nhân giới và địa giới; đường hình sợi châu tượng trưng đường ranh giới của thiên giới và địa giới; vòng tròn tượng trưng cho mặt trời.
Tuy những lời giải thích về ý nghĩa hoa văn trên lộc thạch có sự khác nhau, nhưng về phương diện niên đại, lộc thạch ra đời khoảng thế kỷ XIII trước Công nguyên. Căn cứ theo đây, các chuyên gia suy đoán, đống đá lớn ở hồ Tam Đạo là di tích văn hóa tồn tại cùng lúc với lộc thạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII.
Thế kỷ XIII là thời kỳ khu vực trung nguyên của Trung Quốc cổ đang ở đỉnh cao đồ đồng nhà Thương. Năm xưa, khu vực xung quanh đống đá lớn có một bộ lạc kỳ lạ sinh sống – người độc mục.
Theo tiếng Hán, người độc mục có nghĩa là người canh giữ cô độc. Trong khu vực này, người ta đã phát hiện một lượng lớn tượng người bằng đá cổ đại có niên đại cùng thời với lộc thạch và một số tượng có niên đại muộn hơn. Tượng người bằng đá khắc họa chân dung bộ tộc người độc mục hoặc con cháu của họ.
Năm xưa, bộ tộc này lớn mạnh, sinh sống ở khu vực núi A Nhĩ Thái và từng phát động nhiều cuộc chiến tranh kịch liệt với các bộ xung quanh để tranh giành mỏ vàng. Chuyên gia nghiên cứu đồ ngọc cổ đại còn chứng minh được, vì khai thác đá quý Tân Cương, nhà Thương từng có cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm với bộ tộc độc mục.
Các chuyên gia khảo cổ cho rằng, trong thời khắc quan trọng vào thời kỳ cổ đại, tiên dân bộ tộc người độc mục đã xây dựng đống đá lớn. Đống đá to lớn này là một công trình với quy mô rất lớn và là thành quả lao động tập thể bộ tộc.
Qua đo lường, các chuyên gia ước tính, đống đá này có khoảng 5 vạn mét khối đá. Họ hao tốn nhân lực rất lớn và lao động vất vả trong thời gian dài để khai thác vận chuyển đá từ trên núi cao xây dựng một công trình với quy mô lớn khiến người đời sau thán phục. Bất luận đống đá to lớn có tác dụng gì, nhưng với quy mô to lớn chưa từng thấy, nó đã ký thác tín ngưỡng bí ẩn của các tiên dân cổ đại.
Hồng Mẫn