1/08, 8:10 am Công trình cáp treo qua đảo Lantau của Hong Kong (2)

Eugene Manetsche và nhóm làm việc gồm các kỹ sư người Thụy Sĩ đang xây dựng các toa cáp treo lớn nhất thế giới ngay tại Hong Kong. Hệ thống này sẽ đưa mọi người tiếp cận với khu vực có tượng Phật ngồi lớn nhất thế giới trên đảo Lantau.

Công trình cáp treo qua đảo Lantau của Hong Kong (1)



Đây là sứ mệnh nguy hiểm. Ngoài những khó khăn về địa hình, kỹ thuật, nhóm xây dựng còn phải chạy đua với thời gian. Họ đã bắt tay vào việc được 6 tháng, nhưng gặp phải mùa mưa bão, và lịch trình làm việc đang trượt dài. Eugene có mặt trên xà lan; xà lan đóng vai trò là điểm trung chuyển các vật liệu xây dựng nặng nề nhất. Họ đưa xà lan khổng lồ đến đảo Lantau do nó cho phép trực thăng thực hiện các chuyến hành trình ngắn nhất đến công trường xây dựng nằm rải rác trên khắp núi. Nhưng có một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nếu trực thăng hạ cánh xuống dưới, xà lan có thể lúc lắc một cách nguy hiểm. Những dầm thép được sử dụng cho tháp số 3, chúng có nhiệm vụ hỗ trợ các sợi cáp lớn. Trên công trường xây dựng, nhóm thi công đang chuẩn bị tiếp nhận chuyến hàng nặng nề đang trên đường đến. Giống như những nhà leo núi thực thụ, Christian Oberli và Werner Trachsel leo 20 m lên giàn khung, sử dụng giày ống và các trang bị đặc biệt khác. Nếu sợ độ cao thì đây không phải là công việc dành cho bạn. Robert Gisler, bậc thầy về nâng, phối hợp hành động qua radio với phi công lái trực thăng Martin Nuessli. Trực thăng vươn mình kéo vật nặng trên không. Leitner đã điều động cổ máy từ Thụy Sĩ đến đây, đặc biệt dành cho việc xây toa cáp.

Sử dụng dây bện thép và búa, 2 người chỉ có thời gian ít ỏi để xếp thẳng hàng các thanh dầm. Đây là công việc nguy hiểm. Chỉ cần mất tập trung trong giây lát, hậu quả để lại là bạn có thể mất cả tay, hay thậm chí còn tệ hại hơn.

Chân của tòa tháp gần hoàn tất, nhưng Werner và Christian phải hành động thật nhanh khi gió bắt đầu nổi lên. Gió mạnh cứ nhân khó khăn lên cho công việc.

Theo như Christian thì làm việc theo nhóm là yếu tố quan trọng. Mỗi thanh dầm nặng 2 tấn phải được nâng lên từ trực thăng ở góc độ chính xác để chúng có thể được đặt vào vị trí cuối cùng một cách hoàn hảo. Khi công việc đang được tiến hành khẩn trương thì thời tiết trở nên xấu dần đi. Công việc vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Một lần nữa, thời tiết khó chịu ở Hong Kong khiến mọi thứ trên công trường bị đình trệ.

Bất chấp gió to, nhóm thi công cũng xây dựng gần xong tòa tháp số 3, nhưng những phần còn lại của cả hệ thống lại trễ lịch trình đặt ra trước đó. Điều này vượt quá tầm kiểm soát của Eugene. Công ty chịu trách nhiệm xây dựng các nền móng khổng lồ là đơn vị nhận thầu Maeda của Nhật. Archie Blair là giám đốc dự án của Maeda: “Những gì chúng tôi đang làm là cố gắng vượt qua những trở ngại hiện tại. Chúng tôi không theo đúng lịch trình do có nhiều vấn đề phát sinh. Điều gây phiền toái nhất chính là thời tiết. Chính thời tiết xấu đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ hoàn thành dự án.”

Archie tiến đến tòa tháp số 7, hạng mục có nhiều vấn đề hơn hết thảy. Không may cho ông là khi tiến hành đào bới khu vực này, ông phát hiện một lỗi địa chất nghiêm trọng.

Nhưng điều này sẽ ngốn nhiều thời gian. Eugene không thể xây dựng các tòa tháp cho đến khi nào các nền móng đã hoàn tất. Việc xây dựng nền móng phức tạp hơn những gì từng nghĩ đến trước đó. Ngoài ra, còn một vấn đề gây lo ngại khác mà Eugene cần phải giải quyết. Máy bay trực thăng vận chuyển vật liệu hạng nặng cần thiết cho quá trình xây dựng các toa cáp sắp được đưa về Thụy Sĩ vào tháng 9. Đây là thời hạn cuối cùng Eugene không thể thay đổi: “Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi và hy vọng mọi việc tốt đẹp. Nếu các tòa tháp và nền móng không được bàn giao đúng ngày 20 tháng 9 thì chúng tôi sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn vì không còn cách nào khác để ngăn không cho trực thăng trở về nhà. Ở Thụy Sĩ, họ có nhiều chuyện phải làm, và ở đây chúng tôi cũng thế.”

Toa cáp treo ở Đông Xung là dự án thách đố nhất mà Leitner từng đảm nhận khi chúng vượt qua gần 6km trên địa hình đồi núi hiểm trở với những cơn gió mạnh thổi từ vùng biển phía Nam vào. Người đứng đằng sau công trình của Leitner ở Hong Kong và những nơi khác là giám đốc dự án Markus Sigrist. Khi phát triển kế hoạch xây dựng toa cáp cho Hong Kong, Sigrist chỉnh sửa thiết kế toa cáp trên vùng núi An-pơ theo truyền thống cho phù hợp với những thách thức cụ thể đặt ra bởi miền á nhiệt đới Trung Quốc.

Các nhà thiết kế và kỹ sư bỏ ra đến 3 năm để phát triển các toa cáp ở Đông Xung. Không chỉ hệ thống được thiết kế ở Thụy Sĩ mà hầu hết các bộ phận cấu thành đều được chế tạo ở đó, sau đó được chuyển về Hong Kong. Nhưng có một phần quan trọng mà Leitner không chế tạo: những sợi cáp thép khổng lồ có nhiệm vụ mang các toa xe. Hợp đồng này do Fatza, một công ty khác của Thụy Sĩ thắng thầu. Cáp dài 4km và có đường kính 70mm, trở thành loại cáp lớn nhất từng được chế tạo. Toàn dự án phụ thuộc vào tính nhất quán của cáp kim loại khổng lồ này. Về mặt lý thuyết, chúng có thể mang các toa xe nặng 600 tấn. Theo tính toán sơ bộ, 3.500 người có thể được cáp hỗ trợ. Hôm nay, các sợi cáp với trọng lượng 120 tấn đang được đưa lên chiếc xe 26 bánh. Chúng quá nặng để được vận chuyển bằng đường hàng không. Do vậy, chúng bắt đầu chuyến hành trình mang tính sử thi bằng đường bộ và đường thủy để đến Hong Kong.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *