7/08, 8:26 am Sao Diêm Vương có thêm "anh em"

Hai năm trước, sao Diêm Vương đã không còn được coi là một hành tinh và cùng với Ceres và Iris, nó được xếp vào lớp các hành tinh lùn (dwarf planet) của hệ Mặt trời. Vừa qua, "gia đình" hành tinh lùn lại được bổ sung một cái tên: Makemake.

Ngày 11-7-2008, Hiệp hội Thiên văn quốc tế (IAU) đã chính thức công nhận danh hiệu "hành tinh lùn" đối với một thiên thể thuộc vành đai Kuiper được phát hiện cách đây ba năm. Hành tinh lùn này có tên chính thức là Makemake.

Makemake được nhóm các nhà thiên văn ở Đài quan sát Palomar, California, Mỹ phát hiện ngày 31-3-2005. Khi đó nó được tạm đặt tên là 2005 FY9 (hoặc 136472), chuyển động trên quĩ đạo cách Mặt trời trung bình 45.791 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU = 150 triệu km) với thời gian chuyển động một vòng quanh Mặt Trời khoảng 309.88 năm Trái đất.


Ảnh mô phỏng Makemake – Ảnh: Space Daily

Makemake có kích thước nhỏ hơn sao Diêm Vương một chút, là hành tinh lùn thứ ba tính theo khoảng cách đến Mặt trời (Ceres, sao Diêm Vương, Makemake, Eris). Theo cách phân loại mới nhất của IAU, Makemake được xếp vào nhóm vật thể Plutoid cùng sao Diêm Vương và Eris. Qua quan sát, hành tin lùn này có bề mặt hơi đỏ và các nhà thiên văn tin rằng đó là do nó được bao phủ bởi một lớp băng metan.

Theo nhà thiên văn Michael Brown (Học viện Công nghệ California, Caltech), trưởng nhóm quan sát, tên của hành tinh lùn Makemake được đặt theo tên của vị thần sinh sản và sáng tạo ra con người trong truyền thuyết của cư dân đảo Phục Sinh, hòn đảo với những tượng đầu người kỳ bí được người châu Âu phát hiện vào dịp lễ Phục Sinh, cũng là thời điểm phát hiện Makemake.

* Hành tinh lùn (dwarf planet) là những thiên thể bay xung quanh Mặt trời, không phải là vệ tinh tự nhiên của một hành tinh hay vật thể khác. Chúng có đủ khối lượng để lực hấp dẫn tạo thành dạng cầu hoặc gần cầu, và chúng chưa thể quét sạch được các vật thể khác ở vùng không gian kế cận với quĩ đạo của chúng.

* Plutoid là lớp các hành tinh lùn chuyển động ở quĩ đạo có khoảng cách xa hơn sao Hải Vương.

Theo Khoa học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *