Từ lâu, nhiều người đã quan tâm đến việc nuôi dưỡng những chú cá xinh đẹp trong nhà như sinh vật cảnh. Theo quan niệm của người phương Đông, việc nuôi dưỡng chúng sẽ mang đến cho chủ nhân nhiều điều may mắn và sự giàu có.

Cá kiểng có rất nhiều loài, từ những loài chỉ làm vật trang trí đơn thuần đến những loài mang ý nghĩa phong thủy như cá Rồng. Cá Rồng được những người đam mê cá kiểng chăm sóc rất kỹ.

Cá Rồng được nuôi với ý nghĩa phong thủy mang lại tài lộc

Các nhà kinh doanh xem cá Rồng như con vật quý biểu trưng cho sự thành đạt trong công việc. Tuy nhiên đối với nhiều người, hình ảnh cá Rồng còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa.

Người Trung Quốc cho rằng, cá Rồng là hình ảnh tượng trưng cho con Rồng. Mọi người chưa từng nhìn thấy con Rồng, nhưng họ cho rằng cá Rồng tương tự như chúng. Họ nghĩ rằng vảy cá Rồng giống như vảy Rồng, đặc biệt là loài cá Rồng màu đỏ. Điều đó giải thích vì sao cá Rồng thường được bán với giá rất đắt.

Ở Indonesia nhiều người cũng tôn kính hai loài vật mang tên Rồng này. Họ thực hiện nhiều nghi thức cúng tế trước hai loài vật thiêng đó. Đối với họ, chúng mang ý nghĩa tôn giáo rất đặc biệt.

Múa Rồng thường được trình diễn trong những ngày Tết. Nhân vật chính trong điệu múa này là con Rồng bằng vải. Người ta gọi chúng là Liong. Rồng hay Liong là con vật trong thần thoại. Nó được tưởng tượng là rất đẹp và có sức mạnh. Trên đầu con Rồng có sừng như là một loại vũ khí. Có lẽ do xinh đẹp nên con vật cần có vũ khí để bảo vệ điều đó. Mắt Rồng rắc sắc và tinh nhạy. Đôi mắt của Rồng có thể nhìn bao quát mọi thứ. Hàm răng của Rồng đều đặn và sắc bén.

Múa Rồng thường xuất hiện vào những dịp đặc biệt như lễ, tết

Rồng lại có đến 5 móng vuốt. Sự sắp xếp móng vuốt của con Rồng biểu thị cho mối quan hệ giữa mọi người trong cộng đồng. Đó là mối quan hệ chặt chẽ không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần trong xã hội.

Trước khi tiến hành múa Rồng phải thực hiện một số nghi thức cúng tế trước tổ tiên và thần thánh. Việc này nhằm cầu mong những điều may mắn, xua đuổi những điều không may có thể xảy đến trong khi múa. 3 ngày trước khi biểu diễn, các diễn viên múa phải ăn chay, kiêng ăn thịt và trứng.

Nghi thức cúng tế được thực hiện theo từng bước cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là việc cắt cổ con gà có bộ lông màu trắng. Người ta dùng huyết gà hòa chung với rượu gạo rồi dâng lên thần thánh. Nghi thức cúng tế được thực hiện ở một ngôi đền. Tất cả các đạo cụ múa đều cần được cầu phúc để mong mọi người được an toàn trong khi biểu diễn.

Điệu múa rồng xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là ở khu vực châu Á vào những dịp đặc biệt. Người ta cho rằng điệu múa này có thể xua đuổi những điều không may, mang đến sự may mắn, sung túc như quan niệm với cá Rồng.

Bên cạnh các loài cá quý, nhiều người còn thích ngắm chim chóc vì chúng rất đẹp. Ở nhiều nơi, người ta quan niệm các loài chim có mối quan hệ với thần thánh.
Có rất nhiều câu chuyện thần thoại và truyền thuyết quanh các loài chim. Chúng đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… trong nhiều thế kỷ qua.

Người châu Á rất xem trọng các loài chim. Trong số đó nổi bật là chim Mỏ Sừng. Chim Mỏ Sừng (hornbill) được gọi là Engang theo tiếng Indonesia. Chúng gây ấn tượng mạnh với mọi người nhờ có cái mỏ thật to. Loài chim này thường được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới. Phần lớn chim Mỏ Sừng có bộ lông rực rỡ với sự kết hợp của nhiều màu như đen, trắng, xanh dương, vàng. Đặc trưng nổi bật nhất của loài chim này là cái mỏ thật to và cái mào vàng tươi nằm bên trên chiếc mỏ lớn.

Chim mỏ sừng có bộ lông rực rỡ

Màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng. Màu đen tượng trưng cho sự tự vệ trước các mối nguy hiểm. Khi nhìn vào mỏ chim, bạn sẽ thấy nó có màu vàng pha lẫn sọc đỏ. Màu vàng thể hiện sự an toàn. Tình yêu thương và lòng dũng cảm được thể hiện qua màu đỏ.

Chim Mỏ Sừng thường được tìm thấy ở một số khu rừng thuộc vùng Đông Nam Á. Kích thước cơ thể to lớn và màu sắc rực rỡ của chim luôn gây ấn tượng mạnh đối với mọi người. Chúng là một phần quan trọng trong nhiều truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và cách sống của nhiều cộng đồng dân cư trong khu vực. Ở vùng núi Tây Kalimantan trên đảo Borneo của đất nước Indonesia, chim mỏ sừng được xem là hình ảnh biểu trưng cho tộc người Dayak. Người Dayak xem loài chim này là vật mang đến sự may mắn do thần thánh ban tặng. Trong nhiều nghi thức cúng tế, loài chim này được cho là có khả năng xua đuổi những điều không may, mang đến các vụ mùa bội thu.

Người ta thường chạm khắc hình ảnh chim mỏ sừng trên gỗ. Họ hy vọng rằng con chim mà họ tạo nên có thể bay lên và xua những điều xui rủi của cộng đồng đi nơi khác. Loài chim này tượng trưng cho sự mạnh mẽ và quyền năng.

Chim mỏ sừng rất đẹp, mạnh mẽ và có thể bay lượn tự do. Chúng tượng trưng cho cộng đồng và mang những điều may mắn đến cho người dân vùng núi Tây Kalimantan. Dân địa phương rất yêu mến loài chim này. Chúng thường sống ở những nơi sâu trong rừng và đậu trên các cành cây to. Chim mỏ sừng có thể ăn mọi thứ trong rừng và phụ thuộc vào rừng, vì vậy khi các khu rừng không còn tồn tại thì loài chim này cũng biến mất theo.

Một trong những hoạt động thể hiện sự tôn kính loài chim mỏ sừng của người Dayak là mô phỏng hình ảnh của chúng qua những điệu múa truyền thống. Phụ nữ Dayak dùng các động tác uyển chuyển trên cơ thể tái hiện hình ảnh chim mỏ sừng đang bay hay đậu trên cành cây thể hiện sự hân hoan.

Hình ảnh chim mỏ sừng được điêu khắc trên gỗ

Ở vùng Kanayahan, các động tác múa có vẻ mạnh mẽ, năng động hơn và tràn đầy hy vọng. Điều đó là do các loài chim này sống gần vùng bờ biển nên thường phải hoạt động nhiều hơn. Vũ điệu của người Dayak được sáng tác dựa trên những gì quan sát được từ loài chim này. Thường trong một màn trình diễn có cả sự kết hợp giữa vũ điệu của chim Mỏ Sừng và câu chuyện về các cuộc chiến thời xa xưa.

Người Dayak rất quý trọng chim mỏ sừng do vậy họ không cho phép ai làm hại đến chúng, điều đó còn được qui định thành luật của bộ tộc. Người ta còn cho rằng những ai gây nguy hiểm cho loài chim này sẽ bị thánh thần trừng phạt rất nặng.

Luật lệ nêu rằng không được giết chim mỏ sừng. Nếu ai vi phạm sẽ bị bắt nộp 1 trái Pahar, 1 con heo 20 kilogam và 1 con gà trống khoảng 2 kí. Nếu người vi phạm không làm theo hình phạt thì sẽ gặp những điều xui rủi. Ví dụ như mùa vụ sẽ bị sâu bệnh làm hại, dịch bệnh sẽ lan tràn khắp làng vì bị thần thánh trừng phạt.

Điệu múa của người Dayak mô phỏng động tác của loài chim linh thiêng

Dù loài chim mỏ sừng được cho là rất linh thiêng và đã có những điều luật bảo vệ, nhưng số lượng của chúng đang suy giảm rất mạnh khiến có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện, ở vùng núi Tây Kalimantan chỉ còn lại không đến 250 con. Sự phá hủy môi trường sống là mối đe dọa lớn nhất đối với loài động vật có lông vũ to lớn này. Và bảo vệ các khu rừng nhiệt đới là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ loài chim xinh đẹp và thần bí này.

Nếu số lượng chim mỏ sừng tiếp tục suy giảm, đến một lúc nào đó chúng sẽ không còn nữa và như vậy hình ảnh của loài chim này chỉ còn lại trong ký ức của mọi người hay qua các hình ảnh chạm khắc bằng gỗ của các nghệ nhân Dayak ở Indonesia.

Tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhiều người dân Châu Á. Lòng tin đó có thể được đặt vào một số loài động vật sống quanh họ như cá Rồng, chim Mỏ Sừng hay những con Rồng trong trí tưởng tượng. Người dân địa phương xem chúng là đại diện của thần thánh mang đến cho con người sự mạnh mẽ, may mắn và sung túc. Họ rất yêu mến những loài vật này và luôn cố bảo vệ chúng cũng như bảo vệ truyền thống văn hóa tinh thần lâu đời cho các thế hệ mai sau.

Thanh Trúc
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *