Cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy “xa nhà” đến thế. Từ Tân Sơn Nhất, đáp chuyến bay của hãng hàng không Garuda đến đảo Sulawesi mất đến gần 12 tiếng đồng hồ với hai chặng quá cảnh…
Những ngôi nhà Tongkonan với hình con thuyền trên cao nguyên Toraja
Bỏ lại sau lưng những làng chài ven biển, chúng tôi đi về hướng núi của đảo Sulawesi, hòn đảo lớn thứ tư của Indonesia và lớn thứ 11 của thế giới. Với hòn đảo khổng lồ này, hai miền nam bắc được ngăn cách bởi những dãy núi cao trên 1.000 mét với những hình thù kỳ quái. Người ta gọi đó là Torajaland, vương quốc của những ngôi nhà hình con thuyền trên những vách núi…
Mái nhà hình con thuyền vượt sóng
Vượt hơn 300 cây số đường đèo dốc cực kỳ hiểm trở suốt cả một ngày, chúng tôi mới đến được Makale – thủ phủ của vùng đất Toraja. Giữa mù sương của cao nguyên, thật ấn tượng khi thấp thoáng trong hoàng hôn là những mái nhà cao vút mà người Toraja gọi đó là những Tongkonan. Những Tongkonan xếp thành hàng chạy dài thẳng tắp trông giống như những chiếc thuyền buồm kiêu hãnh đang neo đậu giữa một vùng sơn cước.
Chúng tôi tìm đến ngôi làng Kate Kasu cách thị trấn Rantepao 5km về hướng nam. Ngôi làng được xem là cổ nhất vùng đất này với hàng chục ngôi nhà Tongkonan đã bền bĩ đứng giữa núi rừng hơn ba thế kỷ. Ngôi làng vắng ngắt, trai tráng thanh niên đã lên rừng mưu sinh, làng chỉ còn người già.
Mặt tiền luôn được điêu khắc hoa văn tinh xảo với bốn màu chủ đạo, đó cũng chính là ngôn ngữ của người Toraja |
Ngôi nhà cổ nhất làng có mái rơm đã bện dày dương xỉ và những cây non đâm chồi. Thật may mắn, chủ nhân là người trưởng làng, ông Ne Panimba, 83 tuổi. Ông nhìn chúng tôi thật lâu khi nghe người phiên dịch giới thiệu đến từ Việt Nam và hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Có phải Việt Nam ở xứ Đông Dương?”. Và thật bất ngờ khi ông cho biết: Theo những thế hệ trước kể lại rằng tổ tiên người Toraja cũng từ Đông Dương đến nơi này (!?). Và đó là một câu chuyện bi hùng của những người Toraja từ hàng ngàn năm trước…
Truyền kỳ mở đất
Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong bộ tộc Toraja, tổ tiên họ từng sống ở lưu vực sông Mekong thuộc Đông Dương (Indochine) từ hàng ngàn năm trước, do những biến cố xã hội, cả cộng đồng Toraja đã giong buồm vượt biển đi tìm đất mới. Họ đã đến được vùng đất mà ngày nay gọi là Makassar, phía nam đảo Sulawesi. Khi ấy người Bugis bản địa đã không chấp nhận và xua đuổi họ. Cả bộ tộc đưa đoàn thuyền ngược sông Sadan đi về hướng núi, đi mãi cho đến khi những dòng thác lớn ngăn lại, họ quyết định chọn nơi đó làm quê hương thứ hai. Và những mái nhà Tongkonan hình con thuyền vượt đại dương được dựng lên và luôn hướng về hướng bắc như để con cháu không quên rằng, cha ông họ đã từ phương bắc vượt biển đi qua đại dương xa xôi…
Theo quan niệm của người Toraja, ba tầng không gian trong mỗi Tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ thiên giới – dương gian – địa ngục, người ta cho rằng Tongkonan là một vũ trụ thu nhỏ, là nơi gặp gỡ của quá khứ – hiện tại – tương lai. Có ba loại nhà Tongkonan: Tongkonan layuk dành cho chức sắc hay các vị trưởng tộc chịu trách nhiệm cúng tế cho cả dòng tộc; Tongkonan pekamberan dành cho chức dịch và những gia đình khá giả; và Tongkonan batu dành cho giới bình dân.
Ngôi nhà của ông Panimba đã có tuổi thọ hơn 300 năm và đã sửa chữa sáu lần với chu kỳ 50 năm thay mái một lần. Ngày xưa Tongkonan được xây cao trên những đỉnh núi cao chót vót, khi thực dân Hà Lan đến đã bắt họ dời nhà xuống thấp để dễ quản lý. Ngôi làng Kate Kasu được xây dựng gần như nguyên bản từ ngàn xưa. Người Toraja không xây Tongkonan trong một đời, cứ có tiền là mua dần vật dụng tre nứa cất lên khung nhà, mỗi năm khi có tiền lại mời các nghệ nhân đến điêu khắc các hoa văn. Đó còn được xem là ngôn ngữ của người Toraja, họ không có chữ viết, nhưng với bốn màu, đỏ tượng trưng cho sự năng động nguồn sống, đen tượng trưng cho sự qua đời buồn bã, trắng đại diện cho thần thánh thượng đế và màu vàng tượng trưng cho quyền lực đẳng cấp. Và từ những màu sắc, bức tranh, người ta có thể “đọc” và hiểu người Toraja muốn nói gì.
Đặc biệt, trước những Tongkonan là hàng chục chiếc sừng trâu nước. Nhà càng nhiều sừng trâu là gia chủ thuộc tầng lớp thượng lưu.
Binh Nguyên – Trần Hoài Nam (theo sgtt)