Mặc dù 77 thế kỷ đã trôi qua, bộ hài cốt của một phụ nữ cùng hai đứa con song sinh của cô vẫn nguyên vẹn trong ngôi mộ ở vùng Siberia thuộc Nga.
Ngôi mộ kỳ lạ nằm ở thành phố Irkutsk trong vùng Siberia của Nga. Nó là một trong những mộ thuộc một nghĩa trang từ thời kỳ đồ đá. Các nhà khoa học phát hiện nó vào năm 1997, Livescience đưa tin. Từ đó tới nay người ta đã phát hiện 101 hài cốt trong nghĩa trang và để chúng trong một bảo tàng thuộc Đại học Irkutsk.
Bộ xương người phụ nữ và hai đứa con song sinh vẫn nguyên vẹn sau gần 8 thiên niên kỷ
Vào năm 2012, tiến sĩ Angela Lieverse, một nhà khảo cổ của Đại học Saskatchewan tại Canada, nghiên cứu một bộ xương trong bảo tàng. Ban đầu nhân viên trong bảo tàng nghĩ rằng nó là hài cốt của một phụ nữ khoảng 20 tới 25 tuổi cùng một đứa con. Nhưng khi phân tích kỹ, Angela nhận ra hai bộ xương trẻ em. Hai bộ hài cốt trẻ em đều nằm ở vùng chậu và giữa hai bắp vế của người mẹ, Daily Mail đưa tin.
Sau khi nghiên cứu vị trí ban đầu của những mẩu xương nhỏ, vị tiến sĩ kết luận rằng người phụ nữ chết một cách đau đớn trong quá trình sinh con.
"Một trong hai đứa trẻ ra đời với tư thế lộn ngược, nghĩa là chân chui ra trước. Người mẹ chết khi một phần của đứa trẻ lộn ngược thò ra ngoài. Đứa trẻ thứ hai mắc kẹt trong tử cung và qua đời", Angela nói.
Sinh con là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ thời cổ đại. Nhưng đây là bằng chứng cổ xưa nhất về cái chết của phụ nữ khi sinh con và cũng là bằng chứng lâu đời nhất về cái chết của cặp song sinh.
Người xưa chôn người phụ nữ với tư thế nằm ngửa và đặt nhiều răng của con marmot trên thi thể cô – một thủ tục kỳ lạ ở thời kỳ đồ đá.
"Việc người xưa để răng của con marmot trong mộ cho thấy hai khả năng: Họ không biết người phụ nữ mang thai, hoặc cho rằng cái chết của cô là hiện tượng bất thường", Angela phát biểu.
Mặc dù Angela nghiên cứu hài cốt từ năm 2012, song bà mới công bố kết quả trên tạp chí Antiquity.
Theo Zing