7/08, 7:52 am
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc giải phẫu để tìm ra bí mật âm thanh tuyệt đỉnh của cây đàn Stradivarius. Họ phát hiện ra bí quyết nằm ở độ dày của gỗ.
Trong vòng 300 năm nay, các nhạc công và những nhà khoa học vẫn không thể lý giải được chất lượng âm thanh có một không hai của loại đàn violin do các nghệ nhân Italy như Antonio Stradivari và Giuseppe Guarneri del Gesu tạo ra.
Nay một bác sĩ Hà Lan và nhà sáng chế violin từ Arkansas cho rằng họ đã giải mã được bí ẩn sau khi so sánh 5 cây đàn cổ điển và 8 cây đàn hiện đại bằng máy chụp CT, thường dùng để khám cho bệnh nhân. Nhờ biện pháp này họ có thể phân tích những đặc điểm thể chất của cây đàn mà không gây tổn hại tới nhạc cụ trị giá hàng triệu USD.
(Ảnh: AP)
Kết quả cho thấy có một sự khác biệt lớn trong mật độ hạt gỗ ở những cây đàn cổ điển và hiện đại. Do sự khác biệt trong độ dày của gỗ ảnh hưởng tới độ rung và chất lượng âm thanh, nên phát hiện này có thể lý giải sự vượt trội của đàn violin Stradivarius.
Vậy tại sao gỗ thời xưa và thời nay lại khác nhau? "Sự biến đổi thời tiết có thể là lý do, nhưng công nghệ xử lý gỗ cũng là một nguyên nhân. Ngoài ra, độ tuổi của gỗ trong 300 năm qua cũng tạo nên sự khác biệt", Berend Stoel tại Đại học Leiden, Đức, nhận định.
Kết quả có thể giúp những nhà sản xuất nhạc cụ tìm ra cách nhân bản công trình nghệ thuật của những nghệ nhân Italy thời xưa.
M.T. (theo ABC, VnExpress)