Hiện nay, ở ĐBSCL, nhóm cây ăn trái có múi, mà nhất là cam sành đã được các tỉnh qui hoạch trồng thành vườn chuyên canh khá lớn. Song, ở những vùng chuyên canh đó, bệnh vàng lá cũng đã phát triển mạnh, gây thiệt hại đáng kể cho nhà vườn. Trong đó, phổ biến hơn cả là bệnh vàng lá Greening do rầy chổng cánh chích hút lây truyền. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho cây cam sành trước sự tấn công gây hại của bệnh vàng lá Greening thì việc quản lý rầy chổng cánh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên diện tích nhóm trái cây có múi ở ĐBSCL không ngừng tăng, nhất là cây cam sành được bà con vùng này trồng khá nhiều và hình thành nên những vùng chuyên canh lớn. Đi đôi với phát triển diện tích thì dịch hại cũng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó bệnh vàng lá Greening do rầy chổng cánh là tác nhân lây truyền bệnh đang bộc phát mạnh, làm nhiều vườn cam phải đốn bỏ, gây thiệt hại không ít đến sản xuất của nông dân.

Sự nguy hiểm trực tiếp của rầy chổng cánh đối với cây cam là thông qua chích hút nhựa của đọt non làm cho lá, đọt bị suy yếu, từ đó làm cản trở sự quang hợp của cây. Nếu bị nhiễm nặng sẽ làm cho lá non bị rụng, cành non bị khô và chết. Ngoài ra, rầy chổng cánh là môi giới lây truyền bệnh Greening – một loại dịch hại nguy hiểm trên cây có múi , nhất là cam sành. Do đó, phòng trừ rầy chổng cánh được xem là biện pháp đối phó với bệnh vàng lá Greening hiệu quả nhất.

Để đối phó với rầy chổng cánh hiệu quả, nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chọn cây giống sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc cây trồng khỏe và sử dụng thuốc hoá học theo nguyên tắc 4 đúng

 

Rầy chổng cánh có kích thước rất nhỏ, song cũng rất đễ nhận dạng chúng. Khi quan sát trên vườn cam, thường thấy rầy trưởng thành có màu nâu xám, xen với những vệt trắng vàng, cánh sau ngắn hơn cánh trước. Khi đậu cả thân và cánh chổng ngược lên thành một góc 45 độ so với bề mặt lá. Chúng sống tập trung ở lá non và đọt non. Rầy đẻ trứng thành từng chùm; khi nở ra cả ấu trùng và thành trùng đều chính hút nhựa cây để sống và đồng thời lây truyền bệnh vàng lá Greening. Ở vùng ĐBSCL, rầy chổng cánh hiện diện quanh năm trên các vườn cây có múi

Khi cây cam bị nhiễm vàng lá Greening sẽ làm cho phiến lá bị hẹp và nhọn như hình tai thỏ, khoảng cách giữa các lá ngắn lại. Lá có màu vàng nhưng gân lá vẫn màu xanh, lá nhỏ và mọc thẳng đứng, vì thế mà bà con thường gọi là vàng lá gân xanh. Nếu cây bị bệnh trái bị nhỏ, méo mó, khi bổ dọc quả ra thì tâm quả bị lệch sang một bên, thường không có giá trị thương phẩm.

Bệnh vàng lá Greening xuất hiện đầu tiên chỉ trên một vài nhánh của cây bị bệnh, sau đó có xu hướng lây lan nhanh khắp vườn. Bệnh nặng làm cành chết khô và cuối cùng là chết toàn cây. Bệnh vàng lá Greening là một loại dịch bệnh nguy hiểm, chúng gây thiệt hại rất nặng nề trên các vùng chuyên canh cây có múi ở ĐBSCL. Đến nay, bệnh vàng lá Greening vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh này biện pháp tốt nhất là phòng trừ rầy chổng cánh.

Để đối phó với chúng có hiệu quả, nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chọn cây giống sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc cây trồng khỏe và sử dụng thuốc hoá học theo nguyên tắc 4 đúng. Trước tiên, về kỹ thuật canh tác, phải thiết kế vườn và xử lý đất đai thật kỹ trước khi trồng cây. Cần chọn những cây giống sạch bệnh để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào vườn ngay từ giai đoạn đầu. Nguồn cây giống phải được sản xuất từ gốc ghép, mắc ghép sạch bệnh và được sản xuất, nuôi dưỡng bên trong nhà lưới để phòng rầy chổng cánh chích hút truyền bệnh. Nên loại bỏ những cây bị bệnh trước khi trồng xuống đất nhằm để hạn chế sự lây nhiễm mầm bệnh trong vườn sau này.

Cùng với kỹ thuật canh tác thì việc sử dụng thuốc hóa học là giải pháp cần thiết, nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh hại . Đối với rầy chổng cánh, bà con nên kiểm tra vườn thường xuyên, nhất là mỗi lần cây cam ra đọt non để sớm phát hiện sự hiện diện của rầy chổng cánh và có biện pháp ngăn chặn chúng. Do đặc điểm của rầy chổng cánh chủ yếu sống và gây hại cây ở phần đọt non, vì thế, không để cây ra đọt rải rác quanh năm đễ tạo nguồn thức ăn liên tục cho rầy; mà nên chăm sóc, bón phân để cây ra đọt non tập trung đồng loạt, sau đó xử lý thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa rầy. Ngoài ra, nên tỉa cành tạo tán để hạn chế chiều cao của cây và tạo cho vườn thông thoáng, vừa hạn chế mật số của rầy chổng cánh, vừa giúp bà con dễ dàng theo dõi, kiểm tra vườn cây và thuận tiện khi phun thuốc phòng ngừa.

Ngoài yếu tố kỹ thuật canh tác và sử dụng thuốc hóa học để phòng ngừa rầy chổng cánh. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra một kỹ thuật canh tác mới là trồng xen ổi trong vườn cam để xua đuổi rầy chổng cánh. Với biện pháp này đã giúp nông dân ngăn chặn được sự xâm hại của rầy chổng cánh vào vườn, từ đó phòng ngừa được bệnh vàng lá Greening trên cây cam, tạo nguồn thu nhập trong những năm đầu khi cây cam chưa cho trái

Ngoài những biện pháp trên, bà con nông dân cũng nên trồng cam với mật số cây vừa phải, trồng thêm cây chắn gió xung quanh để ngăn rầy chổng cánh từ nơi khác đến và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong canh tác vườn; nhằm giúp cho cây phát triển tốt, tăng cường khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Nhìn chung, để quản lý rầy chổng cánh gây bệnh Greening trên vườn cam có hiệu quả cao, nông dân nên áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó phải chú ý đến kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào đồng ruộng; nên sử dụng cây giống sạch bệnh, có biện pháp chăm sóc và xử lý rầy kịp thời, nhất là ở các giai đoạn cây ra đọt non. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, nhằm để bảo tồn những thiên địch có ích hỗ trợ tiêu diệt rầy. Có như thế mới bảo vệ vườn cam không bị rầy chổng cánh xuất hiện gây bệnh vàng lá Greening. Nếu chủ quan, lơ là và áp dụng sai kỹ thuật đối với quản lý rầy chổng cánh sẽ làm ảnh hưởng xấu đến năng suất và thu nhập kinh tế của bà con nông dân.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *