Công nghệ hiện đại tạo phôi, nuôi cấy và sàng lọc phôi thụ tinh ống nghiệm
24/11/2023Nhiều kỹ thuật hiện đại trong thụ tinh ống nghiệm như tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, trữ đông – rã đông phôi, nuôi cấy và theo dõi phôi bằng trí tuệ nhân tạo, sàng lọc di truyền tiền làm tổ… giúp tạo ra phôi có chất lượng tốt, hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh được có con “chính chủ” an toàn, khỏe mạnh.
Thụ tinh ống nghiệm hiện (IVF) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay, giúp các gia đình hiếm muộn, gặp khó khăn trong vấn đề mang thai, sinh con dị tật hoặc gặp vấn đề di truyền có con khỏe mạnh. Khi thực hiện IVF, phôi được nuôi cấy trong môi trường nhân tạo tại phòng lab trước khi chuyển vào tử cung người mẹ.
Nếu như mang thai tự nhiên rất khó để phát hiện quá trình phát triển của phôi thai, đặc biệt là giai đoạn đầu của thai kỳ thì với IVF, việc tạo phôi và nuôi phôi trong phòng lab giúp các y bác sĩ, chuyên viên phòng lab theo dõi chi tiết và kiểm soát hiệu quả quá trình hình thành, phát triển của phôi. Nhờ đó, tăng cơ hội thụ thai và mang thai thành công cho những gia đình hiếm muộn lớn tuổi, vô sinh lâu năm, thất bại chuyển phôi nhiều lần, không có tinh trùng… Tuy nhiên, nuôi phôi ở môi trường nhân tạo cũng gặp nhiều thách thức bởi có nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tác động đến phôi thai.
Nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về quy trình nuôi cấy phôi và theo dõi chất lượng phôi, tối 22/11/2023, Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Hiểu về quy trình nuôi phôi và các tiêu chí đánh giá phôi”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ Hệ thống BVĐK Tâm Anh: TS.BS Nguyễn Thị Liên Hương – Trưởng lab, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS Giang Huỳnh Như – Giám đốc Trung tâm HTSS BVĐK Tâm Anh TP.HCM; ThS Lê Thị Thu Thảo – Phó lab Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TPHCM; ThS.BSNT Lưu Xuân Kỳ – Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Trong 120 phút diễn ra chương trình đã có hàng ngàn người theo dõi, hàng trăm câu hỏi được gửi tới các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Các chuyên gia tư vấn trong chương trình
Theo BS Giang Huỳnh Như, khi mang thai tự nhiên, quá trình thụ tinh giữa trứng (noãn) và tinh trùng sẽ diễn ra tại vòi trứng. Sản phẩm thụ tinh sau đó sẽ phát triển trong lòng vòi trứng trước khi vào tử cung. Đối với những trường hợp mang thai nhờ phương pháp IVF, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra trong môi trường ống nghiệm. Trứng, tinh trùng được thu thập và chọn lọc ra những mẫu có hình thái, chất lượng tốt mang thụ tinh.
Theo BS Nguyễn Thị Liên Hương, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) được ứng dụng rộng rãi, giúp nâng cao tỷ lệ thụ tinh thành công. Với hệ thống vi thao tác và kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại lớn, các chuyên viên phôi học sẽ dùng kim chuyên dụng ICSI chọn tinh trùng có hình thái và di động tốt tiêm trực tiếp vào bào tương noãn để tạo phôi. Kỹ thuật này thường được thực hiện bởi bác sĩ, chuyên viên có kinh nghiệm nhằm mang lại tỷ lệ thụ tinh tốt nhất, tạo ra phôi đạt chất lượng cao. Thống kê cho thấy trên thế giới, tỷ lệ thụ tinh thành công nhờ ICSI đạt khoảng 70-80%. Trong khi đó, tại IVF Tâm Anh, nhờ làm chủ kỹ thuật này, tỷ lệ thành công tại trung tâm luôn đạt trên 85%.
TS.BS Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ về kỹ thuật thụ tinh ICSI
Phôi sau khi được thụ tinh sẽ được nuôi trong hệ thống tủ nuôi đặc biệt. Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, đây là bước quan trọng trong quá trình thực hiện IVF, có yếu tố quyết định đến tỷ lệ thành công trong một chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Trước đây, phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ truyền thống, các chuyên viên phôi phải đánh giá phôi bằng cách mang phôi ra bên ngoài quan sát dưới kính hiển vi. Dù quá trình này chỉ diễn ra trong vài phút nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của phôi, do các tế bào trong phôi rất nhỏ, dễ bị tác động bởi ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, độ pH bên ngoài.
Ngày nay, công nghệ nuôi cấy phôi bằng tủ time-lapse ra đời giúp quá trình theo dõi phôi được diễn ra liên tục, khép kín. Mỗi tủ nuôi cấy được gắn camera quan sát, chụp hình liên tục sau mỗi 5 phút ở các mặt cắt khác nhau, giúp phát hiện những bất thường mà mắt thường không quan sát được. Các chuyên viên phôi học sẽ quan sát toàn bộ dữ liệu nuôi cấy phôi từ giai đoạn hợp tử cho đến giai đoạn phôi phân chia qua hệ thống máy vi tính mà không cần phải mang phôi ra ngoài để đánh giá. “Tủ nuôi cấy phôi được ví như tử cung của người mẹ. Mọi thông số về nhiệt độ, độ pH, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ và chất lượng không khí trong tủ cấy giống với môi trường tự nhiên nhất, giúp cải thiện chất lượng, nâng cao khả năng sống của phôi”, bác sĩ Như cho biết.
Ngoài ra, phần mềm trí tuệ nhân tạo AI tích hợp trong hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse được xem là bước tiến có tính đột phá. Được xây dựng dựa trên thuật toán đặc biệt thu nhận từ các bộ dữ liệu từ hàng trăm triệu phôi được nuôi cấy ở các giai đoạn khác nhau, phần mềm AI giúp hỗ trợ chuyên viên phôi học đánh giá phôi có chất lượng tốt về mặt hình thái và động học. Phần mềm hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn phôi tốt nhất chuyển vào tử cung, nâng cao tỷ lệ chuyển phôi thành công. Nhờ đó, bệnh nhân được rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí.
ThS.BS Giang Huỳnh Như phân tích những bước đột phá trong quy trình nuôi phôi bằng hệ thống tủ nuôi hiện đại
Tiến sĩ Liên Hương cho biết, với sự phát triển của y học hiện đại, các cặp đôi có thể chủ động sàng lọc và chọn lựa cơ hội sinh con khỏe mạnh, không mắc bệnh di truyền với phương pháp IVF kết hợp xét nghiệm Sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT). Xét nghiệm này giúp các cặp vợ chồng chọn phôi chất lượng tốt, tiềm năng không mắc bệnh di truyền trước khi chuyển vào buồng tử cung của người mẹ. Nhờ đó tăng khả năng chuyển phôi thành công, giảm số lượng phôi trong một lần chuyển, giảm tỷ lệ đa thai.
Theo ThS Lê Thị Thu Thảo, đông lạnh và rã đông phôi hiện là kỹ thuật không thể thiếu trong IVF, giúp phụ nữ có thể chuyển phôi nhiều lần với các phôi còn dư. Với phụ nữ chưa hồi phục sau kích thích buồng trứng, tử cung ứ dịch, nội mạc tử cung chưa đủ điều kiện…, trữ phôi giúp chị em có thêm thời gian hồi phục sức khỏe, tử cung đảm bảo điều kiện cho phôi bám dính và làm tổ an toàn. Những trường hợp người bệnh có chỉ định xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sàng lọc dị tật bẩm sinh, khi trữ đông, phôi được bảo tồn chất lượng trong thời gian chờ đợi kết quả. Phương pháp này cũng giúp nhiều vợ chồng bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư hoặc trì hoãn thời gian có con để tập trung phát triển sự nghiệp.
Quá trình đông lạnh phôi tại IVF Tâm Anh được thực hiện bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Công nghệ trữ đông và rã đông phôi hiện đại được thực hiện trong môi trường và nhiệt độ đạt quy chuẩn nghiêm ngặt, giúp đảm bảo chất lượng phôi tương đương phôi tươi. Tỷ lệ sống của phôi sau khi trữ và rã đông đạt khoảng 99,8-99,9%.
ThS Lê Thị Thu Thảo giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật đông – rã phôi
ThS.BSNT Lưu Xuân Kỳ cho hay, quá trình IVF gồm nhiều bước, có nguy cao cơ xảy ra nhầm lẫn nếu không có quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, chặt chẽ. Tại IVF Tâm Anh, ngay từ những ngày đầu thành lập, quy trình chống nhầm lẫn, đảm bảo tính bảo mật được ưu tiên xây dựng một cách bài bản, đồng bộ, có hệ thống từ giai đoạn chọc hút noãn đến giai đoạn chuyển phôi và theo dõi phôi sau này, theo đúng tiêu chuẩn của Ủy ban Chứng nhận chất lượng về Kỹ thuật sinh sản (RTAC) thuộc Hiệp hội Sinh sản Australia. Đây là quy chuẩn chung trong quản trị, xác nhận thực hành đúng chuẩn quốc tế và thúc đẩy nâng cao chất lượng dành cho các Đơn vị Hỗ trợ sinh sản. IVF Tâm Anh Hà Nội hiện cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt đầy đủ chứng nhận của RTAC cho tất cả các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, yêu cầu chống nhầm lẫn trong điều trị IVF được đảm bảo một cách toàn diện, tối đa.
ThS.BSNT Lưu Xuân Kỳ chia sẻ về quy trình chống nhầm lẫn trong điều trị IVF
Các chuyên gia nhận định, cuộc “cách mạng” về kỹ thuật nuôi phôi những năm gần đây phát triển mạnh mẽ là cơ hội để các gia đình vô sinh, hiếm muộn được đón con “chính chủ” khỏe mạnh với thời gian được rút ngắn, giảm thiểu chi phí điều trị.
Trịnh Mai