Các chuyên gia bày tỏ lo ngại và dự đoán số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng ở TP.HCM và cả nước, chỉ có giải pháp tiêm vaccine cho trẻ em và người lớn mới mong đẩy lùi dịch hiệu quả.
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia dịch tễ, y khoa hàng đầu trong chương trình tư vấn trực tuyến “Dịch sởi bùng phát, tiêm vaccine, dấu hiệu nhận biết và điều trị sao cho đúng?” diễn ra ngày 27/11/2024.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành gồm BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM; ThS Nguyễn Diệu Thúy – Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; ThS.BS Nguyễn Thanh Hiền Trang – Bác sĩ Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn khán giả theo dõi trong bối cảnh mùa lạnh cuối năm, các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, sốt xuất huyết đang gia tăng số ca mắc.
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn Tại đây
Các chuyên gia tại buổi tư vấn “Dịch sởi bùng phát, tiêm vaccine, dấu hiệu nhận biết và điều trị sao cho đúng?”
Mở đầu chương trình, BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM bày tỏ lo ngại và dự đoán số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng tại TP HCM cũng như trên cả nước, hiện việc tăng cường tiêm vaccine không đuổi kịp tốc độ lây lan nhanh của bệnh.
“Sởi lây lan khủng khiếp, một ca bệnh có thể lây từ 16-18 người. Ngoài lây qua giọt bắn phát tán trong không khí, virus còn bám trên khẩu trang và các vật dụng như bàn ghế, tay nắm cửa, từ đó lây nhiễm gián tiếp cho người khỏe mạnh. Chỉ có tiêm đầy đủ vaccine mới mong dịch sởi được đẩy lùi”, BS Khanh nhấn mạnh và lưu ý người dân cần tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, mẹ bầu, người mắc các bệnh lý mạn tính như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao trở nặng khi mắc bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh tư vấn tại chương trình.
Theo BS Khanh, hiện vaccine sởi đã được Bộ Y tế cho phép tiêm sớm cho trẻ từ 6 đến 9 tháng ở TP HCM. Ông mong muốn việc này cũng sẽ được nhân rộng trên toàn quốc bởi đây là đối tượng dễ mắc bệnh khi kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần. Bên cạnh đó, nhóm mẹ bầu mắc sởi cũng tăng nguy cơ viêm phổi, thai chết lưu, sinh non.
BS Khanh lưu ý nguồn lây bệnh sởi và mắc bệnh không chỉ là trẻ em mà còn xảy ra ở người lớn, chủ yếu ở người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vaccine sởi. Việc phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, cách ly không đủ sức ngăn ngừa bệnh bởi sởi lây lan trước khi có dấu hiệu phát ban.
Lý giải về các biến chứng bệnh sởi, ThS.BS Nguyễn Thanh Hiền Trang, bác sĩ Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết sởi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc, loét giác mạc dẫn đến mù mắt, tiêu chảy, viêm phổi, viêm não. Trong đó, viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất. Sau mắc sởi, trẻ còn có nguy cơ suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn, ảnh hưởng sự phát triển thể chất.
BS Trang lưu ý với trẻ sơ sinh, triệu chứng mắc sởi như sốt nhẹ, viêm họng nhe, phát ban không điển hình có thể bị nhầm lẫn với bệnh khác. Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao, viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi, khó thở, phát ban để đưa con đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để thăm khám và tư vấn điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền Trang tư vấn tại chương trình.
Chia sẻ về dấu hiệu phân biệt giữa sốt siêu vi và sởi, BS Khanh cho biết thông thường sốt siêu vi khi phát ban trẻ sẽ khỏe còn sau khi phát ban do sởi, trẻ vẫn tiếp tục ho và sốt. Các trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ thường có triệu chứng nặng hơn.
“Ban của sởi ra rất tuần tự, từ chân tóc rồi lan dần ra mặt, thân, mình, chân, bay đi sẽ để lại vết thâm. Sởi thường đi kèm với sổ mũi, ho”, BS Khanh phân tích.
Theo BS Khanh, ở người lớn, dấu hiệu mắc sởi không điển hình, tức vẫn có sốt nhưng phát ban không rầm rộ như con nít khiến họ vẫn đi làm, khả năng phát tán virus rất cao. Người lớn vẫn có thể trở nặng, đặc biệt trên cơ địa thừa cân, mắc các bệnh lý nền.
Bàn về giải pháp phòng bệnh bằng vaccine, ThS Nguyễn Diệu Thuý, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine sởi hiện phổ biến trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Với tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm hai loại gồm sởi đơn MVVAC (Việt Nam) và MRVAC (Việt Nam) phòng sởi – rubella vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi. Khi có dịch, vaccine MVVAC được tiêm từ 6 tháng tuổi. Tiêm chủng dịch vụ có loại MVVAC định tiêm cho trẻ từ 9 tháng và tiêm từ 6 tháng tuổi khi có dịch; loại phòng sởi – quai bị – rubella Priorix của Bỉ tiêm từ 9 tháng tuổi; loại phòng sởi – quai bị – rubella MMR II của Mỹ tiêm từ 12 tháng tuổi, khi có dịch được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Giải thích rõ hơn về vaccine chống dịch tiêm từ 6 tháng tuổi, ThS Thúy cho biết thông thường vaccine sởi được tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi. Trước tình hình số ca mắc sởi được ghi nhận gia tăng ở trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi ở TP HCM, Bộ Y tế đã phê duyệt cho TP HCM tiêm vaccine sởi cho trẻ ở độ tuổi này. Trẻ đã hoàn thành mũi sởi lúc 6 – 9 tháng cần tiêm tiếp các mũi vaccine theo phác đồ thông thường khi từ 9 tháng tuổi trở lên. Các vùng không có dịch vẫn tuân thủ phác đồ tiêm sởi như bình thường.
ThS Thúy thông tin kể từ tháng 8/2024 đến nay, hơn 40 trung tâm tiêm chủng tại TP HCM đã tiêm hơn 130.000 mũi vaccine sởi các loại, trong đó tuần đầu tiên triển khai vaccine chống dịch cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi đã ghi nhận hơn 5.000 mũi.
“Điều này cho thấy người dân đang quan tâm dịch sởi và phòng bệnh sớm cho trẻ nhưng đây chưa phải là con số có thể làm chúng ta yên tâm. Với số lượng trẻ lớn tại TPHCM, nếu các bà mẹ thấy bé nhà mình chưa được tiêm sởi ở mũi từ 6 tháng tuổi trở lên thì khẩn trương đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm vaccine, tạo miễn dịch sớm”, ThS Thúy lưu ý.
ThS Nguyễn Diệu Thúy tư vấn tại chương trình.
Với trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng, ThS Thúy lưu ý những người thân cần tiêm ngừa để “tạo kén” bảo vệ, tránh lây lan cho bé. Cần hạn chế đưa bé đến nơi đông người, vệ sinh đồ dùng, rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với bé. Người lớn chưa rõ lịch sử chủng ngừa tiêm 2 mũi sởi – quai bị – rubella cách nhau tối thiểu 1 tháng.
Với nhóm thai phụ, ThS Thúy cho biết vaccine sởi là dạng vaccine sống, giảm độc lực nên không tiêm được cho mẹ bầu. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng. Việc này không chỉ bảo vệ mẹ mà còn truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu tiên chưa được tiêm vaccine sởi. Loại vaccine sởi – quai bị – rubella được ưu tiên bởi phòng được nhiều bệnh trong một mũi tiêm, trong đó rubella và quai bị có thể gây dị tật thai nhi.
ThS Thúy cho biết ngoài vaccine sởi, hiện giai đoạn thời tiết trở lạnh, có nhiều bệnh hô hấp cần phòng ngừa bằng vaccine như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, mọi người cần chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, có các loại vaccine phòng các bệnh lây qua đường hô hấp như thủy đậu, quai bị, não mô cầu.
VNVC hiện có 2 loại cúm từ giá phòng cúm A (A/H1N1 A/H3N2) và B (Yamagata và Victoria) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, nhắc lại hằng năm một mũi.
Hệ thống tiêm chủng VNVC với hơn 200 trung tâm tại hơn 50 tỉnh, thành làm việc xuyên trưa, từ thứ 2 đến chủ nhật. VNVC cung cấp đầy đủ các loại vaccine quan trọng cho trẻ em và người lớn. Tất cả vaccine ở VNVC được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế; quy trình tiêm chủng an toàn; đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng tiêm nhẹ nhàng; trung tâm có phòng xử trí phản ứng sau tiêm hiện đại, đủ phương tiện y khoa cao cấp. Người dân có nhu cầu tư vấn, tiêm chủng vaccine có thể đến trực tiếp các trung tâm VNVC hoặc gọi đến số hotline.
Mỹ Anh