Thủy đậu, sởi và các bệnh truyền nhiễm dễ mắc vào dịp lễ Tết. Nếu chăm sóc không đúng cách, bệnh dễ gây nhiễm trùng da, để lại sẹo mất thẩm mỹ, khó điều trị.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Phòng ngừa thủy đậu, sởi và các bệnh da liễu chuẩn bị đón Tết” tối 29/12 vừa qua, các chuyên gia đầu ngành đã cung cấp các thông tin về phòng các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng da và cách chăm sóc tránh để lại sẹo khi mắc bệnh.
Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long kết hợp cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành: BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh; BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu, Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Độc giả quan tâm, xem lại chương trình tại đây.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích (từ trái qua) và BS Trương Hữu Khanh trong buổi livestream tối 29/12 vừa qua.
Mở đầu chương trình, BS Trương Hữu Khanh cho biết tiết trời cuối năm trở lạnh kéo dài đến Tết là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm gây biểu hiện ngoài da phát triển mạnh như thủy đậu, sởi, tay chân miệng. Trong đó, trẻ em, người có hệ miễn dịch yếu và người chưa tiêm vắc xin là đối tượng dễ mắc bệnh.
Sởi thường gây phát ban với các nốt đỏ khắp người và có xu hướng nổi ở chân tóc sau đó lan rộng toàn thân. Các nốt phát ban nổi rồi lặn, đi kèm với ho, sốt cao. Khác với sởi, các nốt thủy đậu phồng rộp, chứa dịch, tốc độ nổi nhanh. Nếu như buổi sáng bệnh nhân chỉ xuất hiện nốt đầu tiên thì đến chiều các nốt này có thể đã lan ra khắp người. Còn bệnh tay chân miệng thường có bóng nước nhỏ hơn và tập trung dày đặc ở các vị trí của tay, chân và miệng.
Theo bác sĩ Khanh, người dân thường chủ quan nghĩ chỉ trẻ em mới mắc sởi và thủy đậu nhưng thực tế người lớn mắc bệnh vẫn có triệu chứng rầm rộ và để lại nhiều di chứng nguy hiểm.
Sởi không theo dõi, điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, sởi dù điều trị khỏi vẫn có thể dẫn đến viêm phổi và suy dinh dưỡng hậu sởi. Suy dinh dưỡng có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Thủy đậu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm thận cấp tính, nhiễm khuẩn huyết. Trong giai đoạn toàn phát, các nốt phỏng nước nếu không được vệ sinh sạch sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng và để lại sẹo. Sẹo do nhiễm trùng thủy đậu có thể là sẹo lõm hoặc sẹo lồi, tăng hay giảm sắc tố vùng da bị sẹo tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
Ngoài ra, người từng mắc thủy đậu còn có khả năng mắc Zona thần kinh khi trưởng thành. Bệnh gây mụn nước mọc theo dây thần kinh vừa mất thẩm mỹ vừa gây đau nhức, cản trở vận động, giảm chất lượng sống.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích nhấn mạnh, thủy đậu ở trẻ nhỏ dễ để lại sẹo hơn người lớn do bệnh gây ngứa, khó chịu cho trẻ, khiến trẻ dễ cào, gãi các bóng nước dẫn đến vỡ, mất lớp thượng bì tạo thành sẹo sau khi lành. Tình trạng sẹo có thể điều trị thẩm mỹ bằng nhiều phương pháp như cắt đáy sẹo, tái tạo da laser, tái tạo da bằng hóa chất. Quá trình điều trị sẹo, đặc biệt là sẹo rỗ cần nhiều thời gian, có thể kéo dài đến 6 tháng.
Ngoài thủy đậu và sởi, HPV cũng là tác nhân gây ảnh hưởng thẩm mỹ, chất lượng sống do thường gây bệnh sùi mào gà ở cơ quan sinh dục. Theo TS.BS Ngọc Bích, bệnh sùi mào gà có đặc điểm lây lan nhanh, dễ tái phát. Bệnh hiện chưa có thuốc uống, chỉ có thể điều trị bằng các phương pháp như đốt điện, đốt laser, đốt lạnh, chấm thuốc. Bệnh nhân cần tái khám, theo dõi bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Chính vì vậy, TS.BS Ngọc Bích cho biết bên cạnh việc phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm có biểu hiện trên da, người dân nên tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. Nếu không may mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin, biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn ví dụ các nốt thủy đậu cũng nhỏ hơn, mau lặn hơn, giảm thiểu tỷ lệ nhiễm trùng để lại sẹo.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích trong buổi tư vấn tối 29/12.
BS Nguyễn Lê Nga cho biết hiện sởi, thủy đậu đã có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin qua các mũi tiêm đầu đời cho trẻ. Trẻ bắt đầu chủng ngừa sởi từ 9 tháng tuổi bằng các vắc xin sởi đơn. Đến 12 tháng tuổi, trẻ tiêm được mũi thủy đậu đầu tiên và tiêm nhắc vắc xin sởi bằng vắc xin kết hợp sởi – quai bị – rubella.
BS Nga cho biết thêm tỷ lệ phát triển Zona thần kinh ở trẻ mắc thủy đậu cao hơn người lớn mắc thủy đậu. Tiêm vắc xin thủy đậu cho trẻ khi đủ tháng tuổi là cách vừa phòng thủy đậu, vừa phòng zona thần kinh.
Bên cạnh đó, BS Nga cho biết, để bảo vệ bé khỏi mắc bệnh trong thời gian chưa đến tuổi tiêm chủng, mẹ bầu nên tiêm vắc xin để truyền kháng thể cho con thông qua nhau thai, cuống rốn, sữa mẹ.
Vắc xin sởi – quai bị – rubella và thủy đậu là các vắc xin sống giảm độc lực, được khuyến cáo hoàn thành phác đồ tiêm ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Đây là cơ hội phòng bệnh cho mẹ, tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng của cả mẹ và con nếu mắc phải bệnh.
Vắc xin HPV có thể tiêm sớm cho bé trai và bé gái từ 9 tuổi, giúp phòng ngừa các chủng HPV nguy cơ cao gây sùi mào gà và các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư dương vật, ung thư vòm họng ở cả hai giới.
Ngoài ra, để phòng các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến da nói chung, các chuyên gia cho biết cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh cá nhân như giữ vệ sinh thân thể, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, không tiếp xúc gần hay chạm vào nốt mụn, phát ban của người bệnh.