Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến cho một người cha mất khả năng lao động lại phải trở thành gánh nặng của gia đình khi một tuần phải đi chạy thận đến 3 lần. Ngược xuôi chạy vạy thuốc thang, tiền bạc nhưng không may, trong một lần đi mượn tiền về chữa bệnh cho chồng, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến, biến chị thành con người nửa tỉnh, nửa mê….Nhưng tất cả những thử thách ấy không thể nào cản bước cậu học trò Nguyễn Văn Trung phấn đấu trong học tập.

Ngay cả căn nhà hiện tại mà cả gia đình em Trung đang trú ngụ cũng là căn nhà tình thương mà địa phương mới cấp cho gia đình thay cho ngôi nhà cũ đã mục nát. Tuy có phần khang trang, tươm tất, nhưng đó cũng chỉ là ngôi nhà trước sau trống trải, không có vật dụng nào giá trị.

Vốn là một người thợ sửa máy, để đảm bảo cuộc sống cho một gia đình có đến chục miệng ăn, trước đây, ông Nguyễn Văn Hùng – cha em Nguyễn Văn Trung đã phải làm việc quần quật quanh năm suốt tháng, chẳng thiết gì đến tình trạng sức khỏe của bản thân. Cho đến năm 2008, khi bác sĩ phát hiện ông mắc chứng suy thận mãn, thì cũng là lúc căn bệnh đã đi đến giai đoạn cuối cùng, không còn cơ hội để chữa khỏi. Nên hiện tại, để duy trì sự sống, ông phải đi chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần.

Và quả là “họa vô đơn chí” bởi ngay trong lúc cha em phải gian nan đối phó với bệnh tật thì mẹ em – bà Mai Thị Mến – trong một chiều định mệnh trên đường chạy vạy mượn tiền về chữa bệnh cho chồng đã không may bị tai nạn giao thông, gây chấn thương sọ não. Để rồi sau khi gia đình dồn hết tất cả những gì còn có được để giành giật lại sự sống cho bà, thì bà cũng đã trở thành người tâm trí mơ hồ lúc tỉnh, lúc mê, chẳng còn làm gì được nữa. Vậy là, cả hai trụ cột của gia đình, hai điểm tựa tin cậy nhất cho cuộc đời Nguyễn Văn Trung đều đã lần lượt ngã ngựa, khi mà cuộc đua trên đường đời vẫn còn đang tiếp diễn, khiến cho cuộc sống của gia đình dần đi vào ngõ hẹp.

 Khi bệnh tật và tai ương đã làm cho cả cha lẫn mẹ không còn có thể trụ vững để tiếp tục làm chỗ dựa chắc chắn cho đàn con đông đúc của mình, 8 anh em Nguyễn Văn Trung đã phải tự vươn lên tìm sinh kế, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Những anh chị lớn, người đi làm thuê, người đi làm công nhân. Trong đó có một anh phải hy sinh nghỉ việc ở xa để về nhà trực tiếp chăm sóc cha mẹ, trông nom nhà cửa cho mấy đứa em đang trong tuổi ăn tuổi học có điều kiện tiếp tục đến trường. Riêng Nguyễn Văn Trung, ngoài giờ học, em cũng phải chia sẻ mọi công việc trong gia đình, coi sóc chuyện học hành của những đứa em. Còn đối với bản thân, hàng ngày, Trung luôn cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi về một ngày mai không còn cha mẹ, không còn ai nhắc nhở, động viên em học tập và cũng không còn cả những điều kiện tối thiểu để có thể thực hiện đến cùng ước mơ học vấn của mình. Càng lo nghĩ về ngày đau buồn ấy, em càng cố gắng hết sức, không chỉ trong học tập mà cả trong việc rèn luyện ý chí và nghị lực cần thiết, để trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể vượt qua, và đạt được những ước mơ mà bao năm qua em hằng ấp ủ trong lòng.

Đáng mừng là dù thực tại có thế nào thì Nguyễn Văn Trung cũng đã không để cho nghịch cảnh đè bẹp ước vọng vươn lên, vượt qua số phận của mình. Hằng ngày, đến trường, em đã cố quên đi thân phận nghèo khó, quên đi nỗi âu lo về bệnh tình của cha mẹ, để bền tâm, vững chí phấn đấu trở thành một học sinh toàn diện: học giỏi và sống tốt. Nhờ vậy, em đã vươn lên không ngừng trong học tập. Nếu nhiều năm trước đây, em đã là học sinh khá giỏi, thì đến năm học lớp 11, em đã trở thành học sinh giỏi, với điểm trung bình các môn đạt 8.2 và trong học kỳ I của lớp 12, em đã nâng con số này lên 8.5, đứng vào top 5 học sinh có học lực dẫn đầu lớp.

Trong cuộc sống hàng ngày, Trung luôn lạc quan, chân tình, gần gũi và hết lòng giúp đỡ bạn bè, được thầy cô, bạn bè tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn lớp. Trong công tác đoàn, em cũng luôn năng động và gương mẫu, làm nồng cốt giúp cho lớp giành được nhiều thành tích tốt trong các phong trào do Đoàn trường phát động.

Không kể thời gian học ở trường, sinh hoạt thường nhật của Nguyễn Văn Trung ở nhà là bắt ốc, hái rau, kiếm nguồn thức ăn cho gia đình. Chỉ khi tối đến mới được học bài, làm bài, nhưng đồng thời còn phải kết hợp trông nom, chăm sóc cha mẹ. Trung vẫn cảm thấy mình vẫn còn có được một niềm hạnh phúc lớn lao, đó là niềm hạnh phúc được cấp sách đến trường. Vì vậy mà em càng quý trọng việc học, xem đó như là lối thoát duy nhất mà em còn có được để vượt qua bế tắc mà nghịch cảnh đã tạo ra cho gia đình và bản thân. Và cũng chính điều đó càng giúp em củng cố thêm niềm tin rằng phía sau bóng tối sẽ là ánh sáng và phía sau nghịch cảnh sẽ là sự trưởng thành, là chìa khóa để mở cửa tương lai.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ

1/ Em Nguyễn Văn Trung, học sinh lớp 12CBA4, trường THPT Tháp Mười, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Kim Phụng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *