Đặc điểm của những món trang sức bằng vàng tìm thấy trong mộ cho thấy hài cốt trẻ em chôn kế bên người phụ nữ chính là con gái của công chúa Celtic.

Ngôi mộ của công chúa Celtic và con gái ở phía nam nước Đức có niên đại vào năm 583 trước Công nguyên, tức 2.600 năm tuổi. Toàn bộ khu mộ được chuyển đến phòng nghiên cứu ở Stuttgart để các nhà khoa học tìm hiểu về nơi chôn cất, theo International Business Times.

Hai đôi khuyên tại trên hài cốt người phụ nữ được cho là công chúa Celtic và bé gái

Ngôi mộ chứa thi hài một người phụ nữ đeo nhiều trang sức vàng, đồng, hổ phách. Cách đó nửa mét là mộ một bé gái khoảng 2-3 tuổi. Những điểm giống nhau ở đôi khuyên tai vàng trên cơ thể người phụ nữ và bé gái cho thấy giữa họ có quan hệ thân thiết, các nhà khoa học kết luận trong báo cáo đăng trên tạp chí Cổ vật.

"Hai đôi khuyên tai vàng rất giống nhau về mặt phong cách và lối trang trí", Dirk Krausse ở Cơ quan Di sản Văn hóa Đức tại Baden-Wuerttemberg, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Thông qua hình dáng và họa tiết trang trí, có thể thấy chúng thuộc cùng thời kỳ, có thể là sản phẩm của cùng một người thợ kim hoàn. Chúng rất đặc biệt và chúng tôi không có mẫu vật để so sánh từ những ngôi mộ khác".

Mặt dây chuyền với những bông hoa tuy-lip bằng đồng

Gò chôn này có nguồn gốc từ thời Đồ sắt khi người Celt sinh sống trên vùng đất nay là nước Đức và thông thương với toàn bộ châu Âu. Khu vực khai quật được chuyển đến Cơ quan Di sản Văn hóa Đức năm 2011.

"Chúng tôi khá bất ngờ vì ngôi mộ không bị cướp phá. Nó nằm gần một con sông nhỏ hoặc con lạch và đất ở đó rất ẩm ướt giống như một loại than bùn. Những ngôi mộ khác có cổ vật bị cướp nằm ở nơi khô ráo hơn. Hầu hết thời gian trong gian mộ có nước nên không dễ trộm đồ", Krausse nói.

Một trang sức bằng vàng khác dài 28,5cm tìm thấy trên cơ thể người phục nữ

Điều kiện ngập nước với nồng độ oxy thấp cũng hạn chế quá trình xuống cấp ở ngôi mộ. Các nhà khoa học lấy mẫu vật từ bộ xương của người phụ nữ, nhưng hài cốt của bé gái không cung cấp đủ dữ liệu để kiểm tra ADN. Chỉ có men răng của bé gái còn lưu lại.

Hiện tại, công nghệ sắp trình tự ADN chưa đủ tiên tiến để thực hiện trên phần hài cốt ở mộ bé gái. "Nhưng trong 10-20 năm nữa, có thể công nghệ đó sẽ ra đời", Krausse kỳ vọng.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *