Người cổ đại có thể dùng nồi chịu nhiệt để nấu thực vật từ 10.000 năm trước, một bước tiến giúp hình thành nơi định cư cố định, hướng tới nền văn minh hiện đại.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Plants hôm 19/12, các nhà khoa học nhận định người cổ đại sống cách đây 10.000 năm có thể ăn ngũ gốc nhiều hơn thịt, theo Ars Technica. Kết luận này được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu phân tích thành phần hóa học của 110 mảnh gốm tìm thấy ở khu vực sa mạc Sahara thuộc Lybia, nơi từng có nhiều hồ, động vật và thực vật tươi tốt.
Địa điểm khai quật là động Uan Afuda và hang đá mang tên Takarkori. Đây là nơi cư trú của con người trong khoảng 8.200-6.400 năm trước Công nguyên, một thời gian ngắn sau khi đồ gốm chịu nhiệt được phát minh ở châu Phi cách đây 10.000 năm.
Nhiều bã thực vật được tìm thấy trong các mảnh gốm cổ đại
Các bình gốm được sử dụng với nhiều mục đích, trong đó có dự trữ và chế biến ngũ cốc. Chúng có thể đựng trái cây, ngũ cốc, lá và thân cây, phần lớn được thu lượm từ bờ sông, hồ.
"54% số bã thu được trong các bình có nguồn gốc thực vật, phần còn lại gồm chất béo động vật hoặc sản phẩm hỗn hợp giữa thực vật và động vật", nhóm nghiên cứu viết.
Các đầu bếp cổ đại nhiều khả năng đã làm bánh mỳ, ngũ cốc nghiền, các món hầm và thậm chí là siro. Theo Rana Özbal, nhà khảo cổ học đến từ trường Đại học Koç, Thổ Nhĩ Kỳ, người cổ đại đã thả đá nóng vào nồi chịu nhiệt để làm ấm thức ăn. Nhờ vậy, họ có thể tạo ra nguồn thực phẩm phong phú, bao gồm các thực vật không thể ăn trực tiếp.
Khi có thể ăn nhiều loại thực vật, con người bắt đầu định cư tại địa điểm cố định và chăn nuôi gia súc. Trẻ con được cai sữa sớm hơn bằng cách ăn thực phẩm mềm nấu chín. Điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ có thể đẻ nhiều con hơn và đứa trẻ có khả năng sống sót cao hơn.
Lối sống định cư cố định của con người ngày nay bắt đầu nhờ kỹ thuật nấu ăn mới trong các hang động giống Uan Afuda. Nói cách khác, học cách ăn nhiều loại rau có thể là bước đầu tiên của loài người nhằm hướng tới nền văn minh hiện đại.
Theo VnExpress