Năm nào cũng vậy, lịch cứ trôi về tháng ba là chị lại kêu ran trên báo, hãy giải phóng bọn chị hãy công bằng với bọn chị. Những bạo hành những ngược đãi những vùi dập vẫn đang tồn tại nhức nhối. Cuộc đấu tranh này chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng chị không bao giờ mệt mỏi, nhất là từ cái hồi chị tham gia công tác trong hội các chị, nhận thức được một nửa thế giới này quan trọng đến nhường nào nhưng cũng chịu thiệt thòi biết chừng nào.
Những bữa mở báo ra thấy họ viết về thân phận phụ nữ làm phu hồ, làm cửu vạn, đạp xích lô… chị không cầm được xót xa. Việc nặng nhọc ấy đâu phải dành cho đàn bà, chị luôn chong trong lòng mình điều đó. Không bao giờ chị để tâm mình bị ru ngủ, bởi nếu mất cảnh giác thì chị sẽ phải thông máng xối, hay mé nhánh cây trứng cá, hay sơn lại cánh cửa… bởi chính ông chồng có giọng điệu ngọt ngào chết được, em ơi em à, anh nhờ xíu… Không, muôn ngàn lần không, những chuyện đó đã lâu rồi không thuộc về chị – người phụ nữ đã tung ra khỏi những định kiến ích kỷ chật hẹp, và đang miệt mài đấu tranh cho những ai vẫn còn bị nhốt ở trong lồng.
Ảnh minh họa |
Trong sổ tay, chị có ghi danh sách những người phụ nữ làm lãnh đạo ngành này sở nọ, đếm mãi vẫn không nhiều. Chị bồn chồn sốt ruột. Đàn ông làm được thì phụ nữ làm được, chị khẳng khái nói vậy khi hội này đoàn kia tỏ ra không quan tâm mấy đến phụ nữ. Họ chỉ cho vài chị đứng trong đội một cách rất là đại khái qua loa, cả năm bị quên lãng cũng đành, đến ngày 8.3 vẫn không tặng nổi một món quà. Tết phụ nữ, chị em cứ mong nhận được quà, dù nhỏ thôi, một cành hoa, một tô bún bò, một gói xoài ngâm… mà chờ đến mỏi mòn cũng không có là sao? Chính vì bất công đầy rẫy như vậy nên khi Dilma Rousseff đăng quang tổng thống Brazil, chị hân hoan ăn mừng như chính chị là người đàn bà khui champagne bên kia trời Nam Mỹ. Bức ảnh của bà ấy chị trân trọng dán cùng với Angela Markel, Hillary Clinton, Julia Gillard… Cái gì đàn ông mấy anh làm được thì tụi em cũng làm được, hôm đó chị nói với chồng trong lúc chờ anh giúp đưa xe chị ra khỏi bãi giữ của siêu thị.
Nhưng có những người phụ nữ khiến chị phải bận lòng, như con em gái ruột của chị. Không thể chịu được khi nhìn thấy em trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà, bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh… Chị hay bảo em nên để chồng em làm, nhưng em cười bảo, thấy ngứa mắt quá. Mà, em làm được thì mắc gì phải chờ? Cái cách nghĩ đó làm chị tuyệt vọng quá, em ơi em là đàn bà mà. Chọn việc nhẹ nhàng thôi, thí dụ may vá thêu thùa, nấu nướng, ghi chép trên bàn giấy, họp hành… Em lại cười xoà, tỏ ra không quan tâm mấy. Hồi em chưa lấy chồng chị đã dặn nếu có mê thằng nào chết được thì cũng phải chờ bên kia ngõ lời trước, nhưng rốt cuộc em đã chạy tới trước anh ta bồn chồn bảo, nè, em thích anh rồi, tụi mình có thể có cơ hội yêu nhau không?
Và em cứ câng câng cái bộ điệu chuyện mình làm được sao phải chờ sao phải phân biệt việc chàng việc nàng. Ghét quà tặng vì nhiều khi đó là thứ không hợp ý mình, em tự mình đi mua những gì em thích. Bóng đèn tắt ngóm em lọ mọ sửa. Xe máy hư thì em đưa tới ông thợ quen, trong lúc ngồi chờ họ sửa nghe được biết bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển.
Và chị cứ phải nhắc em ơi mình là phụ nữ mà. Lần nào chị cũng nghẹn họng khi em chưng hửng nói, ủa, vậy hả? Trời ơi em không nhớ và chẳng quan tâm mình là ai thuộc giới nào, chỉ biết hăm hở làm những việc mình muốn thì sao giải phóng em được đây?
Hay là em đã thoát được rồi đã đi khỏi rồi và thật sự bình đẳng rồi mà chị vẫn loay hoay. Chị thoáng nghĩ vậy khi một lần tình cờ giở lịch xem tám tháng ba năm nay sẽ trùng vào cuối tuần không, và đọc lướt được một câu “Người nào quên mình trong một phút, phút ấy là Niết bàn”. Nhưng chị không suy nghĩ lâu được, chị đang mãi tưởng tượng những món quà chị sẽ nhận được trong dịp tết đàn bà này. Chẳng biết ông chồng lơ đãng của mình có nhớ không hay là phải nhắc…
Nguyễn Ngọc Tư – Theo SGTT