Câu chuyện ngày Tết của nhóm bạn “lớn lên từ gốc rạ” lần trở về này, không phải là những hoài bão kinh doanh, những thành công hay dự định về công việc nơi đất khách, mà lại xoay quanh “số phận” của cánh đồng quê.

Cánh đồng nhỏ là vậy mà bao dung, chứa trọn tuổi thơ với bao vui buồn, nhọc nhằn mà vô tư của đám trẻ quê.

1. Những thông tin thời sự nhất, của đám bạn quê, đó là đám ruộng chạy dọc quốc lộ 46 đã được phân lô để làm nhà. Cách đó không xa, một trụ sở làm việc của một cơ quan hành chính ba, bốn tầng sẽ thay thế ruộng khoai lang, luống rau cải đang vươn lên giữa cái rét của ngày đông. Những thửa ruộng xô lệch, nhô cao bên bờ con sông Cụt, cũng vừa được đền bù cho dự án xây thuỷ lợi. Ít năm nữa, những ruộng lúa chạy dọc Rú Nẩy và khu nghĩa địa cũng sẽ nhường chỗ cho làng nghề.

Ít năm trở lại đây, đô thị hoá đã bắt đầu mon men “tấn công” cánh đồng. Nhưng lúc đó, chỉ có thêm một vài ngôi nhà nhỏ ở bìa làng lấn ra ruộng hay những ao cá – lúa chạy dọc bìa làng. Số phận của cánh đồng quê, như vậy, đã được định đoạt. Cánh đồng, rồi sẽ mang những chức năng khác, không còn là nơi trồng lúa, hoa màu mà sẽ biến thành nền nhà, vườn cây hay kho bãi cho làng nghề…

Ảnh minh họa

 

2. Hộ khẩu THỊ TRẤN, nhưng cả đám bạn tha hương không quên mình lớn lên từ gốc rạ, từ hột lúa, luống khoai… Đó là quãng tuổi thơ khó khăn nhưng đầy níu kéo ở cái cánh đồng yên bình và bao dung này. Cánh đồng thật đặc biệt. Nó bị đóng khung bởi làng, đường quốc lộ, Rú Nẩy và con sông cụt. Cánh đồng nhỏ, không vượt ra ngoài tầm mắt vậy mà mỗi mùa vụ lại bạt ngàn cơ man nào là hoa màu, lúa chỗ cao chỗ thấp. Cánh đồng nuôi dân quê. Hột lúa, luống khoai chấp bước cho con đường học bao lớp trẻ trong làng thêm dài… Mỗi khu vực của cánh đồng lại gắn với những danh xưng khá “lạ tai”: Đa Bô, Rú Nẩy, Cơn Trện, Cơn Đa, Khai Hoang… Tên đồng có từ trước khi đám trẻ như chúng tôi sinh ra. Cơn Đa, Cơn Trện theo giải thích của những người lớn tuổi, do ở đây có cây (tiếng địa phương gọi là cơn) Đa, cây Trện nên khu vực này có tên như vậy. Còn những tên gọi khác, đến bây giờ, nhiều người cũng không hiểu vì sao lại gọi như vậy?!

Cánh đồng nhỏ là vậy mà bao dung, chứa trọn tuổi thơ với bao vui buồn, nhọc nhằn mà vô tư của đám trẻ quê. Đó là trận bóng ngày hè trên những thửa ruộng lởm chởm gốc rạ. Rồi những ngày đông quây quần bên những bếp lửa dã chiến mà lớp trẻ chúng tôi gọi là “đốt sưởi”. Mỗi ngày, ai cũng được cắt đặt công việc là mang con cúi (rơm bện để giữ lửa) để đốt sưởi. Lạnh cắt da cắt da cắt thịt mà bì bõm dưới những con mương bắt dam (cua đồng), cá… nướng. Mắt cay xè vì khói, miếng ăn đắng nghét vì cháy sẹm mà sao ngon lạ kỳ. Hay những lúc mải mê đi bắt chim quốc, hái ngấy (một loại quả dại) ở ven nghĩa địa, về bị bố mẹ cho “ăn lươn” (đánh đòn) vì để trâu bò ăn hoa màu… Vui nhất có lẽ là những ngày hè. Buổi ngày ngụp lặn dưới sông, buổi tối lại được ngủ ở đồng để canh lạc. Ngày đó, thu hoạch lạc, thay vì mang về nhà, người dân quê chụm thành bó, phơi ngoài đồng khi nào khén (khô) mới mang về. Người lớn thì tụm năm tụm bảy bên ấm nước chè; đám trẻ chạy lông nhông chơi trốn tìm. Những đêm đó, trời đầy sao, bố chỉ cách phân biệt sao Bắc Đẩu, Thần Nông…

Cánh đồng quê là nơi mưu sinh, là sân chơi và là “lãnh địa” của đám trẻ làng như chúng tôi. Bởi, chỉ cần có sự xuất hiện của đàn trâu và đám trẻ làng kế, cả nhóm trẻ làng sẽ mai phục, tìm cánh xua đuổi, thậm chí sẵn sàng “chiến đấu” bằng đất, bùn nhằm ngăn sự xâm lấn. Cánh đồng nhỏ mà mênh mông tuổi thơ, của những dại – khôn, vui – buồn… Hồi bé thì có những vở “kịch” vua và người hầu. Lớn hơn tí, có người bắt chước tìm lá diêu bông mà đến nay, có lẽ, vẫn chưa tìm thấy (?!). Cánh đồng quay quắt những ngày đông, sôi sục những trưa hè, trăng xoá mùa mưa bão… Vậy mà bao dung, ôm trọn sự vô tư của đám trẻ quê. Ôm trọn hình ảnh đầy xúc cảm, như ai đó ví: Dáng mẹ cong như dấu hỏi giữa đồng…

Tuổi thơ trên cánh đồng, không hiểu sao, đầy níu kéo. Vốn sống ở đồng, theo thời gian, trở thành những thửa ruộng tâm hồn, được đắp bồi đầy phù sa kỷ niệm.

3. Đi dọc những trục đường đồng đã được bêtông hoá, dấu ấn ngày Tết và sự “lên đời” của người dân quê vương vãi nào vỏ hạt dưa, hướng dương, vỏ kẹo hộp sữa hay những vỏ lon bia, chai dầu ăn… Rồi ngồi rà soát kỷ niềm tuổi thơ về cánh đồng, không hiểu sao ai cũng giật mình. Bởi, rồi đây những người bạn quê, đã chọn công việc cày cấy, không biết sẽ cai quản việc đồng áng thế nào? Đành rằng đô thị hoá, chuyên môn hoá cây trồng, mục đích cũng nhằm giúp đời sống người dân đỡ vất vả hơn. Nhưng, thay đổi quá nhanh, quá mất cân đối thì cái thói quen “ở làng” chưa thích nghi kịp. Họ chưa biết xoay xở ra sao.

Càng giật mình hơn, bởi trong hành trang không quá cồng kềnh vào đời, cái chất làng, chất quê ít nhiều nhạt phai theo năm tháng bận bịu mưu sinh nơi đất khách. Rồi đây, cánh đồng có thể sẽ được hợp nhất thành một tên gọi. Có thể gắn với một làng nghề, loại cây trồng gì đó?! Nhưng, vẫn hi vọng cánh đồng tuổi thơ không bị phân lô, chia thửa bởi những tính toàn bon chen cho cuộc sống thường nhật.

Hi vọng là vẫn giữ được những thửa ruộng tâm hồn ấy.

Trung Dũng – Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *