Neshama Spielman, bé gái người Jerusalem khai quật được chiếc bùa hộ mạng hình mặt dây chuyền của pharaoh Ai Cập trong một đợt đào xới khảo cổ năm 8 tuổi.
Theo The Huffington Post, các nhà chức trách thành phố David công bố phát hiện hiếm có ở công viên quốc gia Emek thuộc Jerusalem, sau khi mất 4 năm để xác thực món đồ tạo tác với niên đại ước tính 3.200 năm.
Neshama Spielman và chiếc bùa hộ mạng hình mặt dây chuyền mà cô bé tìm thấy trong công viên quốc gia của Jerusalem. (Ảnh: CBC).
Chiếc bùa hộ mạng mặt dây chuyền mang một phần tên pharaoh Thutmose II của triều đại thứ 18. Nó cũng có một lỗ nhỏ ở bên trên để luồn dây đeo.
Neshama Spielman, hiện nay 12 tuổi, cho biết cô bé tham gia Dự án Sàng lọc Temple Mount, một chương trình đào xới tình nguyện và phát hiện đồ vật lạ.
Bùa hộ mạng mang tên pharaoh Ai Cập Thutmose III. (Ảnh: City of David).
"Khi đang sàng đất, cháu bắt gặp mảnh đồ gốm trông rất khác những thứ cháu từng nhìn thấy, và cháu ngay lập tức nghĩ rằng có thể mình vừa tìm món đồ đặc biệt. Thật thú vị khi tìm ra một đồ vật hàng nghìn năm tuổi thuộc Ai Cập cổ đại ở Jerusalem!", Spielman chia sẻ.
Tiến sĩ Gabriel Barkay, người đồng sáng lập và chỉ đạo Dự án Sàng lọc Temple Mount, suy đoán bùa hộ mạng xuất hiện ở Jerusalem do Ai Cập từng thống trị khu vực này suốt 300 năm cuối thời Đồ đồng. Tuy nhiên, ông không biết chính xác chiếc bùa hộ mạng được tạo ra khi nào. Dù Thutmose III trị vì Ai Cập từ năm 1425 đến 1479 trước Công nguyên, những đồ vật mang tên ông có thể được chế tạo ở thời kỳ sau.
Pharaoh Thutmose III trị vì Ai Cập từ năm 1425 đến 1479 trước Công nguyên.(Ảnh: antique.mrugala.net).
"Những đồ vật mang tên Thutmose III tiếp tục được sản xuất ở Ai Cập một thời gian dài sau thời kỳ trị vì của ông, phản ánh tầm quan trọng và ấn tượng dài lâu mà vị vua này để lại. Thutmose III coi bản thân như người chinh phục cả nghìn thành phố", Barkay cho biết.
Zachi Dvira, người đồng phụ trách Dự án Sàng lọc Temple Mount, chia sẻ các nhà nghiên cứu so sánh chiếc bùa hộ mạng với một mẫu vật khác giống hệt được tìm thấy trước đó ở phía bắc Israel và mang tên vua Seti I. Vị pharaoh này trị vì Ai Cập từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 13 trước Công nguyên.
"Điều này chỉ ra cả hai mặt dây chuyền có cùng niên đại, cụ thể là cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 13 trước Công nguyên", Dvira nhận định.
Nguồn: Theo VnExpress