Tôi thực sự bàng hoàng khi nhận được tin anh Hoàng Ngọc Hiến đã trút hơi thở cuối cùng, nhằm vào giờ Ngọ, ngày 21, tháng Chạp, năm Canh Dần (24/1/2011).

Nhà văn, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là người anh lớn, vì anh hơn tôi khoảng trên dưới 20 tuổi. Nhưng về học thuật và tri thức, anh Hiến là bậc thầy, sư phụ của tôi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mảng lý luận – phê bình văn chương, cái mà tôi đã theo đuổi suốt hơn 30 năm qua. Mặc dù trong mắt Anh lúc bình sinh, có thể tôi chỉ là một người học trò nhỏ, nhưng không một lúc nào, khi gặp trực tiếp hay qua điện thoại, Anh lại không dành cho tôi những chỉ bảo ân cần, những lời khuyên chân thành của một nhà trí thức lớn đối với học trò của mình. Những thành tựu văn hóa – văn chương Anh đã công bố, mà chắc chắn nếu ai quan tâm không ít hơn một lần biết đến các công trình dịch thuật, các bài lý luận phê bình văn chương và gần đây là công trình nghiên cứu về minh triết Việt của Anh đã được giới khoa học trong nước và quốc tế quan tâm, chia sẻ. Chẳng hạn như các công trình đã xuất bản Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương, Tập ký; Maiacôpxki. Con người, cuộc đời và thơ (Khảo cứu – tuyển dịch 1976); Maiacôpxki – Hài kịch (dịch 1984); Văn học Xô Viết đương đại (khảo cứu 1987); Văn học – học văn (tiểu luận và phê bình, 1992); Văn học và học văn” (tiểu luận và phê bình 1997); Văn học gần và xa (tiểu luận, 2000); Triết lý văn hóa và triết luận văn chương (Khảo cứu 2006); Văn hóa và văn minh – Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý (2007); Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (Tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp Fran coi Jullien, NXB Đà Nẵng, 2004)…

Nhà văn, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Cũng là duyên kỳ ngộ, tôi và anh Hiến có nhiều kỷ niệm với nhau, đặc biệt trong khoảng gần 10 năm trở lại đây khi Anh đã bước sang tuổi “cổ lai hy”. Có lần tôi đang ngủ vào khoảng nửa đêm, nghe chuông điện thoại, tôi nhấc máy. Thế là Anh bắt đầu tăng volum trong khoảng trên dưới nửa tiếng đồng hồ. Nội dung câu chuyện mà tôi lĩnh hội được đơn giản chỉ là Anh rất tâm đắc với vấn đề minh triết Việt và muốn tổ chức một nhóm gồm những người quan tâm đến vấn đề này để nghiên cứu.

Thế rồi bẵng đi khoảng nửa năm, trong một dịp vui, gia đình tôi có tổ chức một chuyến du ngoạn để thư giãn, tôi ngỏ ý mời Anh, vì ở một khía cạnh nào đó, Anh chính là ân nhân của gia đình tôi. Anh vui vẻ nhận lời. Nhưng Anh bảo muốn mời thêm vài người nữa. Tôi đồng ý ngay. Thế là vợ chồng tôi cùng anh Hiến và những cô học trò “cưng” của Anh và cả vợ chồng Giáo sư – Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Giao, hiện là giảng viên cao cấp Trường đại học Paris 7, Cộng hòa Pháp lên xe đến Kim Bôi, Hòa Bình.

Trên đường đi, tôi và mọi người ngồi im nghe hai GS bàn về minh triết Việt. Tôi, vì chỉ hơi láng máng một điều gì đó, nên chưa dám tham gia. Đến Kim Bôi, trong lúc chờ bữa trưa, tôi thật sự bất ngờ khi nghe anh Hiến nói: Minh triết là cách ứng xử có văn hóa nhất giữa con người với con người và giữa con người với vạn vật. Tiếp theo đó, Anh giảng giải cho tôi những thuật ngữ sơ khai về minh triết bằng những suy nghĩ có liên quan đến chủ đề này của hai học giả Việt Nam: Ngô Thời Sĩ (1740 – 1786) và Kim Định (1914 – 1997). Ngô Thời Sĩ phân biệt “Đạo lý thánh hiền” và “Đạo lý đời thường” đại loại là: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”. Theo anh Hoàng Ngọc Hiến, trên đại thể, minh triết là đạo lý đời thường. Đạo lý này có tính chất đời thường vì cũng như tính Phật nó sẵn có ở mọi người. Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết.

Anh Hoàng Ngọc Hiến ra đi, sự nghiệp của Anh hiện còn đang dang dở. Chẳng hạn như: Cuộc hội thảo khoa học về Minh Triết Chăm dự kiến tổ chức ở Ninh Thuận vào tháng 4 tới và Cuộc hội thảo về Minh Triết của người Mông, dự kiến sẽ tổ chức ở Lào Cai vào cuối năm nay. Đặc biệt là cuốn Minh Triết Việt của Anh hiện vẫn chưa kịp xuất bản.

Cầu chúc cho Anh dưới suối vàng yên nghỉ ngàn thu. Những ý tưởng tốt đẹp về một nền Văn hóa – Minh Triết Việt, các thế hệ học trò và đồng nghiệp của Anh sẽ tiếp tục nhằm phấn đấu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đỗ Ngọc Yên – Theo Sức khỏe và đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *