Bị hen suyễn lâu năm, ông vẫn cố gắng viết, vào mạng mỗi ngày, khi tuổi bát thập. Đi khám, bác sĩ bảo ông đau dạ dày. Lẽ ra ông phải chụp cắt lớp ổ bụng, song con người quá nghệ sĩ lãng đãng ấy lại bỏ qua. Cho đến đầu năm mới, quá đau không chịu thấu, phải cấp cứu, mới biết đã bị ung thư.

1. Hơn nửa thế kỷ làm thầy, dù không có học hàm giáo sư chính thức của Nhà nước, các trí thức, báo giới vẫn gọi Hoàng Ngọc Hiến là giáo sư, bằng tất cả niềm khâm phục, kính trọng và trìu mến.

Là hội viên Hội Nhà văn VN từ 1987 khi 57 tuổi, nhưng cuộc đời ông gắn với văn chương từ thiếu thời đến khi gục ngã vì bệnh tật.

Ông là nhà văn, nhà phê bình, nhà giáo và trên hết, sự uyên bác nhiều lĩnh vực (nhất là văn chương, triết học) của ông mang tầm của một nhà văn hóa.

Hoàng Ngọc Hiến bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô (cũ) về Maiakovski, có thể coi ông là “Nhà Maiakovski học”, bởi ở VN, chưa ai hiểu biết vượt qua ông về thi hào lớn này.

 
Hoàng Ngọc Hiến Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Tận tụy với sự nghiệp giảng dạy, nhân hậu, bao dung, luôn vì học trò, vì mọi người, Hoàng Ngọc Hiến sống giản dị trong ngôi nhà tập thể Trường ĐH Văn hóa, nơi ông đã thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1979. Bù lại, ông rất giàu bạn bè, được kính nể mang ơn, bởi cả đời ông chỉ biết sống tốt, giúp đỡ người khác. Học trò của ông cực đông và thành đạt khắp VN, nên gọi ông là “Giáo sư của các giáo sư” cũng không quá. Phát hiện và khẳng định tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là tác giả nhiều thuật ngữ văn học, trong đó có “hiện thực phải đạo”, song hiện thực bệnh tật lúc cuối đời lại bất công với ông.

Ông lấy vợ muộn và chỉ có hai con gái: nhà báo Hoàng Tố Hoa (sinh 1967) và nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai (sinh 1969, Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học). Các con lấy chồng, chỉ hai ông bà ở bên nhau. Bà Phạm Tố Nga (sinh 1939) là một phụ nữ đẹp, từng là phóng viên báo Phụ nữ VN, thu xếp gánh vác việc nhà; còn chuyện học hành, gây dựng cho con, ông lo liệu. Ông bà chỉ có 2 cháu ngoại Phương Tân (lớp 4) và Ngọc An (5 tuổi) con của vợ chồng Tố Mai – nhà thơ Nguyễn Bình Phương, sống tại tầng 5, chung cư quân đội phố Lý Nam Đế.

2. Ngay sau hôm đưa đi cấp cứu, ngày 5/1, tiến hành phẫu thuật cho ông. Tuổi 81 không chịu nổi cơn đau, ông đột quỵ, hôn mê. Gia đình dốc tiền bạc lo thuốc men, cầu khấn tổ tiên, ông qua cửa tử mà vẫn rất mong manh: toàn thân phù, bất động, mắt dại, sau mấy ngày tỉnh, giờ hết phù nhưng lại không biết gì. Các con, cháu thay nhau vào thăm, xoa bóp, truyền năng lượng và nói chuyện để khơi gợi ý thức cho cha. Bà Tố Nga căng thẳng, lo lắng, lăn ra ốm, bệnh tim, huyết áp cao, phù chân hành hạ.

Chị Hoàng Tố Mai cho biết: “Gia đình xác định ông có thể sẽ nằm bất động vài tháng, mỗi tháng chi 35 – 40 triệu đồng, chúng tôi dốc sức, miễn là bố qua khỏi, dù có thể khó phục hồi trở lại như trước. Một người như ông, không thể gục ngã lúc này. Chúng tôi sẽ cố hết sức”.

Chị Mai cho biết, một số học trò từ xa biết tin cũng tìm về thăm thầy, xin trực trông thầy, nhiều nhà văn đến thăm nhiều lần, như Bảo Ninh. Chị tin vào tâm linh, nhiều người mang ơn, nhớ ơn thầy, cùng cầu cúng cho thầy tai qua nạn khỏi. Tối 15/1, PGS. TS Văn Giá và tôi, sau đó là GS Trần Đình Sử, vợ chồng TS Chu Văn Sơn tới BV Hữu Nghị thăm GS Hoàng Ngọc Hiến, nằm bất động tại giường 6, tầng 3, nhà 10. Là học trò của thầy Hiến, cầm bàn tay phải đang phù của thầy, TS Văn Giá rất xót xa, lay gọi: “Thầy ơi!”, đáp lại là lặng thinh, đôi mắt mở không thần sắc.

Bao nhiêu lo lắng, tâm sức dồn cho ông. Lẽ nào một lần ngã bệnh mà quỵ ngã, trời sẽ thương, người “ở hiền gặp lành”. Giai đoạn cam go này, tốn kém rất nhiều tiền bạc, sức lực, gia đình neo người của thầy Hoàng Ngọc Hiến sẽ vững vàng hơn nếu có nhiều tấm lòng sẻ chia, để vực thầy Hiến vượt qua thử thách lớn lao của số mệnh, trở lại cuộc sống an lành.

Vi Thùy Linh – Theo Thể thao Văn hóa
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *