Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long cung cấp một sản lượng khá lớn trái cây cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao nên sức cạnh tranh kém, vì thế đã gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ. Do vậy, bên cạnh tăng năng suất, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây đang được ngành chức năng và nhà vườn quan tâm. Nhiều chương trình sản xuất trái cây theo hướng an toàn chất lượng được đưa vào áp dụng trên vườn cây ăn trái, trong đó khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn Gap để tạo lợi thế cạnh tranh cao, nhất là trên thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, diện tích vườn trồng cây ăn trái ở Vĩnh Long đạt trên 46.800 ha, đứng thứ hai ở vùng ĐBSCL. Sản lượng trái cây của cả tỉnh cung cấp cho thị trường gần 500 ngàn tấn/năm với nhiều chủng loại đặc sản như bưởi Năm roi, cam sành, nhãn, sầu riêng, măng cụt, bòn bon… Mặc dù rất phong phú về chủng loại, nhưng luôn gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với trái cây ngoại nhập do sức cạnh tranh yếu. Theo các chuyên gia về cây ăn trái, trái cây ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng rất ngon, không thua kém trái cây của các nước trong khu vực, nhưng luôn gặp phải rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân là sản xuất không theo qui trình công nghệ cao, còn nhiều hạn chế về chất lượng, mẫu mã, kích cỡ không đồng đều… Ngoài ra, sản xuất còn manh mún, chưa có tính hàng hóa cao, công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu và chưa tạo dựng được thương hiệu mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng trái cây, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào trong sản xuất, thực hiện qui trình canh tác tập trung theo hướng công nghệ cao và đảm bảo an toàn nông sản. Bên cạnh nâng dần trình độ sản xuất, nâng cao chất lượng trái cây phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu trái cây. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển và xuất khẩu trái cây. Phát huy thế mạnh các loại cây ăn trái đặc sản có tính cạnh tranh cao, như bưởi Năm roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… để cung ứng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.



Trái cây ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng rất ngon, không thua kém trái cây của các nước trong khu vực

 

Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho trái cây Việt, ngoài các yếu tố như qui hoạch vùng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác thì vấn đề thay đổi tập quán sản xuất trái cây theo hướng Global Gap hoặc Việt Gap là cần thiết. Ngay từ khâu đầu tiên là phải thiết kế vườn đúng kỹ thuật, chọn giống có chất lượng tốt, đất trồng cây không có ô nhiễm hoá học. Phải sử dụng hợp lý và cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ, hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích và điều hoà sinh trưởng cây trồng. Về phòng trừ sâu bệnh cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt, đây là khâu quan trọng trong quá trình thực hành sản xuất nông sản theo Gap. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên nguyên tắc hạn chế thấp nhất sự thiệt hại do sâu bệnh gây ra, có hiệu quả kinh tế cao, ít độc hại cho con người và môi trường. Đảm bảo đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long đã chuyển giao và xây dựng chương trình sản xuất theo hướng nông sản an toàn trên cây bưởi Năm roi. Năm 2008, loại trái cây này đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global Gap, nhờ vậy mà Hợp tác xã bưởi Năm roi Mỹ Hoà, huyện Bình Minh không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo sức cạnh tranh và mở hướng ra thị trường xuất khẩu. Hiện thời, bưởi Năm roi đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Đức, Canada, Hà lan, Anh, Nga, Ucraina.

Ngoài ra, để có ngày càng nhiều mặt hàng trái cây của tỉnh được nâng cao sức cạnh tranh, ngành Nông nghiệp đã chọn thêm một số loại cây ăn trái đặc sản để đưa vào qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn Gap như cây nhãn của huyện Long Hồ và chôm chôm của huyện Trà Ôn. Đây là trái cây chủ lực mà địa phương có vùng nguyên liêu với diện tích khá lớn và đang có thị trường xuất khẩu với giá cả ổn định. Hiện hai loại trái cây này đang ứng dụng sản xuất theo hướng nông sản an toàn và từng bước hoàn thành các tiêu chuẩn Việt Gap.

Họat động sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn thực phẩm GAP đang là hướng đi đúng và thông qua các chứng nhận tiêu chuẩn ViệtGap, EUREPGAP, GLOBALGAP, sản phẩm trái cây sẽ có điều kiện thuận lợi khi gia nhập thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng phải đẩy mạnh tăng cường hơn nữa mối liên kết “4 nhà” : nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và sự quản lý của nhà nước. Chỉ có như thế mới đưa kinh tế vườn phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hoá, tạo ra nhiều sản phẩm trái cây đạt chất lượng cao và có đủ năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *