Nhiều trận đánh trong lịch sử cho kết quả ngoài dự đoán bởi sự can thiệp của thời tiết.
Chiến tranh năm 1812 giữa Mỹ và đế quốc Anh
Theo The Epoch Times, ngày 25/8/1814, khi Nhà Trắng và công trình công cộng bị người Anh đốt, bầu trời trở nên đen kịt và trận mưa như trút nước đổ xuống dập tắt đám cháy. Cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất quét qua Washington D.C và giết hại nhiều binh sĩ Anh hơn tất cả súng đạn do người Mỹ bắn ra, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ.
Trận bão khiến quân Anh bỏ dở cuộc chinh phạt ở Washington D.C, Mỹ
Lốc xoáy khiến người Anh sợ hãi phải rút về nước, nhưng cơn bão cũng phá hủy thành phố, đặc biệt là khu dân cư. Đó là một sự kiện thời tiết bất thường ở Washington D.C. Từ đó đến nay, 7 cơn lốc từng đổ bộ vào thành phố, nhưng đây là trận lốc xoáy duy nhất gây chết người.
Cuộc chiến chống quân xâm lược Tây Ban Nha của người Anh
Vua Philip II của Tây Ban Nha đã cố gắng chinh phục nước Anh vào thế kỷ 16. Bão mạnh bất thường giáng đòn tấn công cuối cùng vào hạm đội tàu Tây Ban Nha. Những cơn bão sau này được gọi là "Gió lành", chỉ Chúa thiên vị người Anh theo đạo Tin lành hơn người Tây Ban Nha theo Công giáo trong trận chiến.
Hạm đội tàu Tây Ban Nha tan tác trước khi tràn vào Anh
Người Tây Ban Nha thiếu sự chuẩn bị trước quân đội hùng mạnh của Anh, do đó, các cơn bão không phải là yếu tố quyết định duy nhất kết quả trận chiến. Nhưng cùng các nhân tố khác, chúng góp phần ngăn người Tây Ban Nha xâm lược nước Anh.
Âm mưu thôn tính Hy Lạp của Ba Tư
Năm 492 trước Công nguyên, Hy Lạp gần như bị áp đảo bởi đội quân Ba Tư hùng hậu do đại tướng Mardonius dẫn đầu. Nhưng khi quân Ba Tư đi thuyền đến gần Athos, một cơn bão phá hủy 300 chiếc tàu, giết chết 20.000 binh lính, theo sử gia Herodotus.
Cơn bão đặc biệt dẫn đến thất bại của quân đội Ba Tư khi xâm chiếm Hy Lạp
Sự kiện này không khiến Ba Tư từ bỏ ý đồ xâm chiếm Hy Lạp, cơn bão chỉ ngăn được một đợt tấn công. Nhưng trận đánh này có lẽ là cơ hội thành công duy nhất của quân Ba Tư bởi trong những trận chiến sau đó, người Hy Lạp liên tiếp giành phần thắng.
Dưới góc nhìn của người Hy Lạp cổ đại, cơn bão là do thần biển Poseidon gọi đến để bảo vệ họ hoặc người Ba Tư quá ngạo mạn nên bị thần linh trừng phạt. Biển ở khu vực này nổi tiếng với những cơn bão mạnh. Tuy nhiên, thời gian xuất hiện cơn bão đặc biệt này rất trùng khớp như thể được sắp đặt từ trước.
Cuộc chiến xâm lược Nhật Bản của đế quốc Mông Cổ
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố hôm 11/2/2014 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học cho thấy thời tiết luôn ủng hộ công cuộc xâm lược của hoàng đế Mông Cổ.
Thời gian mở rộng bờ cõi của Thành Cát Tư Hãn trùng với 15 năm thời tiết ẩm ướt và ôn hòa nhất trong lịch sử hơn 1.100 năm. Thời kỳ khô hạn trước đó có thể là nguyên nhân thúc đẩy các cuộc xâm lược. Giai đoạn độ ẩm cao tạo nên những đồng cỏ màu mỡ, hoàn hảo để nuôi ngựa và do đó giúp tăng cường sức mạnh cho quân Mông Cổ.
Chân dung của Thành Cát Tư Hãn
Tuy nhiên, thời tiết chống lại cháu trai của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt khi ông ta cố gắng xâm chiếm Nhật Bản vào ngày 29/10/1274. "Nếu không nhờ hai cơn bão lớn, Nhật Bản có thể là một phần của Trung Quốc ngày nay", Kerry Emanuel, giáo sư khí tượng học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nhận định.
Theo Emanuel, với quân số ít và vũ khí sơ sài, người Nhật nhanh chóng bị dồn vào nội địa. Nhưng khi màn đêm buông xuống, các hoa tiêu Hàn Quốc trên tàu Mông Cổ cảm nhận được một cơn bão đang đến gần. Trước đó, người Nhật từng hy vọng có thể trì hoãn thời gian để chờ quân tiếp viện nhưng thay vào đó, cơn bão nổi lên bất ngờ đã tiêu diệt gần hết quân Mông Cổ, khiến 13.000 người chết và dập tắt hoàn toàn ý đồ thôn xâm chiếm Nhật Bản của Hốt Tất Liệt
Theo VnE