Nhật báo Cộng hòa của Italia, số ra mới đây, có bài viết nói về tình trạng nghịch lý hiện nay của nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới G-20. Đó là việc các nước giàu phải vay tiền từ các quốc gia mới nổi.
Ảnh minh họa |
Theo bài báo, trong khi Châu Âu và Mỹ đang loay hoay tìm cách thoát khỏi khủng hoảng và tình trạng nợ nần thì một số nước khác trên thế giới lại hồi phục nhanh chóng hơn. Thậm chí, một số quốc gia trước đây thuộc thế giới thứ ba nay đã trở thành chủ nợ. Đây là sự việc mới xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G-20 ở thành phố Toronto của Canada vừa qua.
Thực tế, từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã mua 50 tỷ đôla trái phiếu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Brazil mua 10 tỷ đôla, còn Ấn Độ mua 200 tấn vàng, trị giá khoảng 6,7 tỷ đôla. Ngoài ra, Nga cũng công bố kế hoạch bảo lãnh trái phiếu trị giá 10 tỷ đôla. Như vậy, cả 4 nước thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều đã đưa ra các gói hỗ trợ Châu Âu và Mỹ thông qua định chế IMF.
Theo số liệu chính thức, hiện Trung Quốc hiện có dự trữ ngoại tệ hơn 2.000 tỷ đôla, một nửa trong số đó được dành để mua trái phiếu chính phủ của Mỹ. Dự trữ ngoại tệ của Nga là 288 tỷ đôla, của Brazil là 252 tỷ đôla và của Ấn Độ là 248 tỷ đôla. Nhiều nước trước đây thuộc thế giới thứ ba như Hàn Quốc và Mexico… cũng có mức dự trữ ngoại hối vượt ngưỡng 100 tỷ đôla.
Trong năm qua, thặng dư tài khoản công của các nước này thấp hoặc ở mức dương, chẳng hạn Trung Quốc và Hàn Quốc đạt thặng dư là 1% trên tổng sản phẩm quốc nội GDP. Brazil đạt trạng thái gần như cân bằng với chỉ âm 0,8%. Trong khi đó, tại các quốc gia thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G-7, tỉ lệ này lại khá xấu, chẳng hạn như Đức là – 5%, Nhật Bản: -7,6%, Mỹ: – 10,7% và Anh: – 12%.
Tại Hội nghị G-20 vừa qua, châu Âu được coi là khu vực đang cần được cứu trợ, trong khi khối BRIC vừa đóng vai trò cung cấp tín dụng, vừa là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Trong năm 2009, các nước Châu Âu và Mỹ có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế rất thấp, còn các nước BRIC lại có tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong đó, Trung Quốc tăng trưởng hơn 8,7%; còn Ấn Độ đạt 6,5%…
Để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, nhiều nước Châu Âu ban đã hành các gói cứu trợ, lập quỹ chống khủng hoảng, kêu gọi sự trợ giúp từ IMF…, đồng thời áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng,” và cắt giảm chi tiêu công. Những biện pháp này có thể giúp Châu Âu phần nào kéo giảm được nợ công và thâm hụt ngân sách, nhưng lại kéo theo hệ quả không mong muốn là kìm hãm tăng trưởng, thậm chí có thể dẫn tới nạn giảm phát.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nước Châu Âu cần tiếp tục ưu tiên cho phục hồi kinh tế dù phải chịu mức thâm hụt ngân sách cao. Theo họ, chỉ sau khi tăng trưởng được khôi phục, nền kinh tế mới khởi sắc; và khi đó, ngân sách sẽ được bù đắp. Vì thế, việc các nước giàu hiện phải đi vay tiền từ các quốc gia trước đây từng thuộc thế giới thứ ba tuy là nghịch lý nhưng có lẽ là điều cần thiết vì hiện nay, giảm phát và thiểu phát mới là nguy cơ lớn nhất đối với Cựu Lục địa.
Thanh Tâm