‘Đường sống’, cuốn văn thư nghị luận tổng hợp các thư từ và bài viết chính luận của đại văn hào trong những năm cuối đời, lần đầu xuất bản tại Việt Nam với mục tiêu giúp độc giả biết và hiểu hơn về Tolstoy với tư cách một nhà tư tưởng, một triết gia lỗi lạc.
“Đường sống” do NXB Tri Thức ấn hành, dày gần 1300 trang với 90 bài viết chính luận và nhiều thư từ do chính Tolstoy viết gửi cho bạn bè và độc giả, bàn luận về các vấn đề của đời sống xã hội.
Theo PGS.TS Phạm Vĩnh Cư, chủ biên cuốn “Đường sống”, sinh thời Tolstoy từng viết hơn 10.000 bức thư, qua đó bộc lộ rất rõ quan điểm sống và nhân cách con người ông. Trong số đó, có bộ sưu tập thư từ giữa đại văn hào và cố thủ tướng Ấn Độ Gandhi, người kém ông 41 tuổi. Lúc đó, Tolstoy đã là một vĩ nhân còn Gandhi vẫn còn vô danh. Sau này, vị lãnh tụ được nhân dân Ấn Độ phong thánh luôn bày tỏ lòng tôn sùng của ông đối với đại văn hào Nga.
Cuốn "Đường sống" được trưng bày bên cạnh tác phẩm khác đã được dịch ra tiếng Việt trong triển lãm sách và tranh ảnh Leo Tolsoy tại Đại học Hà Nội từ 6 đến 11/12. |
Tolstoy lựa chọn “Đường sống”, một cái tên giàu ý nghĩa cho tác phẩm cuối cùng của mình. Cái tên bắt nguồn từ một học thuyết mà ông kiên trì theo đuổi, coi đó là con đường sống, con đường đi lên của nhân loại. Trong tác phẩm, Tolstoy bàn về giáo dục, khoa học và đạo đức con người, bộc lộ tư tưởng về phi bạo lực, lấy thiện trả ác, đưa con người đến hạnh phúc trọn vẹn.
Theo nhà giáo ưu tú (NGƯT) Vũ Thế Khôi, Tolstoy có những nhận định, tư tưởng đi trước thời đại cả trăm năm. Chẳng hạn như tư tưởng về giáo dục, ông nêu ra bốn mục tiêu của việc học: để có kiến thức, để làm việc, để làm người và để chung sống với con người. Đó cũng chính là 4 trụ cột của nền giáo dục thế kỷ 20, do ông Jacques Delors, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO, đúc kết.
“Đường sống” có số phận lận đận tại nước Nga. PGS.TS Phạm Vĩnh Cư cho biết, “Đường sống” chỉ được xuất bản một lần với số lượng nhỏ ở Nga và hiện nay cũng không nhiều người Nga biết đến cuốn sách. Năm 1915, 5 năm sau khi ông qua đời, giữa khói lửa chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà văn Nga D.Merezhkovski chua chát bình luận về Tolstoy: “Người mới đây còn là thủ lĩnh tư tưởng của chúng ta, Leo Tolstoy, tuồng như bỗng dưng đánh mất hết quyền lực của mình, tuồng như bỗng dưng toàn bộ trở nên không đúng lúc, không cần thiết, không hiện đại, không hợp thời”.
Từ năm 1914 đến 1945, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trên đất nước của Tolstoy đã diễn ra những thứ mà sinh thời ông không hề mong muốn: cách mạng, nội chiến và một chính thể chuyên chế mới. Dưới chính thể ấy, người ta đối xử với Tolstoy hoàn toàn theo cách ông không mong muốn: đề cao tuyệt đối các sáng tác văn học của ông, biến văn ông thành khuôn vàng thước ngọc cho mọi thế hệ nhưng lại hạ thấp tuyệt đối một Tolstoy – nhà tư tưởng, xem những di sản về tư tưởng của ông là một phần của quá khứ và không còn phù hợp với xã hội mới, con người mới.
PGS.TS Phạm Vĩnh Cư viết trong lời giới thiệu cuốn “Đường sống”: “Trong vòng 7 thập niên, nhà tư tưởng Tolstoy được biết đến, được nghiên cứu và quảng bá ở nước ông ít hơn ở bất cứ nước nào của phương Tây, mặc dù ở phương Tây cũng còn nhiều định kiến về Tolstoy và trong ý thức xã hội cũng định hình một quan niệm rập khuôn về ông như là một nhà văn kỳ tài và một triết gia yếu kém”.
NGƯT Vũ Thế Khôi khẳng định, phương pháp của Tolstoy là cực đoan, ông phê phán gay gắt nền văn minh chúng ta đang sống, con người đạo đức giả, giáo dục tệ hại, còn khoa học chỉ là ngụy khoa học. Nhưng phải biết nhìn vào đằng sau các phê phán ấy của Tolstoy, những trăn trở của ông về nhân loại và thời cuộc, để nhận thấy 100 năm sau khi Tolstoy qua đời, nhiều quan điểm của ông vẫn còn nguyên giá trị, nhiều quan ngại của ông vẫn chưa được giải quyết.
Pham Mi Ly – Theo eVan