Sinh ra ở huyện An Biên, một huyện vùng sâu, còn nhiều khó khăn của tỉnh Kiên Giang, điều kiện đi lại khó khăn, nhà nghèo nhưng 11 năm liên tiếp, Kim Phưng học sinh 12B trường THPT Đông Thái luôn là học sinh giỏi với điểm số bình quân lớp 11 rất ấn tượng 9.0.

Phải chăng chính cuộc sống gian truân, nghèo khó của gia đình và bản thân đã hằn sâu những dấu ấn không thể nào phai trong tâm hồn em Nguyễn Thị Kim Phưng – học sinh lớp 12B, trường THPT Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang để từ đó đã hình thành nơi em những nét tính cách rất đặc biệt. Đó là một cô học trò cao ráo, chắc khỏe, nhưng khuôn mặt luôn đầy vẻ ưu tư và dễ xúc động.

Nhiều năm liền Kim Phưng luôn học bài dưới ánh đèn dầu

Quả thật, tuổi thơ của Kim Phưng đã không được êm ấm và ngọt ngào như bao bạn bè đồng trang lứa mà đó chỉ là chuỗi của những tháng ngày lênh đênh, bất định. Bởi, khi đến với nhau, ngoài tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ em không còn có thứ tài sản nào khác. Cuộc sống của cả gia đình chỉ còn biết gởi gấm vào 1 chiếc ghe cũ kỹ, ngày ngày ngược xuôi trên các sông rạch khắp vùng để buôn bán và làm mướn, làm thuê kiếm sống.

Chính từ những tháng ngày sống nổi trôi trên sông nước ấy đã đặt ra cho cha mẹ Kim Phưng một câu hỏi lớn là: nếu cứ tiếp tục sống phiêu du như thế mãi thì cuộc đời sẽ đi về đâu, nhất là tương lai của cô con gái sẽ như thế nào, hay cũng chỉ là sự lặp lại đáng buồn cuộc đời cơ cực và dốt nát của bản thân mình. Từ suy nghĩ đó, cha mẹ em đã quyết định lên bờ định cư. Buổi đầu lên bờ sinh sống, không đất đai, không vốn liếng, cha mẹ em đành phải thuê đất của người khác, rồi bỏ công ra cày cấy, sản xuất để kiếm chút lợi nhuận còn lại sau khi đã nộp đủ tiền thuê đất và chi phí sản xuất. Ở cái nơi mà đất đai bao la, nhưng kém màu mỡ, điều kiện canh tác còn rất khắc nghiệt, nên công sức bỏ ra thì nhiều nhưng lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Vậy là gia đình Kim Phưng đã phải thường xuyên di chuyển hết đồng này, qua đồng khác, để thuê đất canh tác.
Không cam tâm nhìn em cháu mình phải tiếp tục sống lang thang, tạm bợ, một người bác của Kim Phưng đã cho cha mẹ em dựng chỗ ở nhờ trên phần đất của mình, để tạm gọi là được an cư.

Ông Nguyễn Văn Côi – cha của Kim Phưng vốn là một người lính, từng tham gia chiến đấu giúp bạn trên chiến trường Campuchia, ngày xuất ngũ đã mang cả di chứng sốt rét rừng trở về. Dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh vẫn tiếp tục hành hạ, khiến ông chẳng thể làm việc gì nặng. Dù vậy, nhưng để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, ngoài thời gian làm việc trên mảnh đất thuê của mình, ông vẫn tranh thủ đi làm mướn, với công việc thích hợp để kiếm thêm. Còn thời gian nữa thì giăng lưới bắt cá cho những bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Bà Bùi Thị Thu Sương – mẹ Kim Phưng quanh năm tần tảo với nhiều công việc khác nhau, hết làm thuê cho người khác, đến trồng rau quanh nhà, hay nấu ăn cho các đám tiệc quanh vùng, để chung sức cùng chồng gánh vác cuộc sống gia đình, mà nhất là chăm lo cho Kim Phưng ăn học.

Để chia sẻ sự nhọc nhằn với cha mẹ, ngoài thời gian học ở trường, Nguyễn Thị Kim Phưng đã quán xuyến hầu hết công việc trong nhà. Ngoài ra, để kiếm thêm chút ít thu nhập trang trải chi phí học tập, trước giờ học Kim Phưng còn giúp mẹ đi giao rau cho các đầu mối tiêu thụ ở chợ.

Không chỉ thiếu thốn vật chất mà con đường đi học của Kim Phưng cũng hết sức gian nan. Do sống ở vùng nông thôn sâu, điều kiện lại rất khó khăn, vất vả. Đã vậy mà trước đây còn phải thường xuyên thay đổi chổ ở, nên chỉ riêng chuyện bám được mái trường không thôi đã là một kỳ tích. Lúc nhỏ phải rày đây mai đó, lênh đênh trên sông nước, khiến cho điều kiện học hành không ổn định. Khi được lên bờ trú ngụ ven rừng U Minh Thượng thì không có điện sinh hoạt, nên suốt những năm tháng học ở bậc tiểu học Kim Phưng chỉ biết học bài bằng ánh đèn dầu. Con đường từ nhà đến trường vừa xa xôi, vừa lầy lội, khó vượt qua nếu thiếu ý chí và không có quyết tâm cao.

Nhưng nhờ sớm hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học, Kim Phưng luôn khát khao được biến đổi cuộc đời bằng con đường học vấn, nên trong học tập em đã có gắng hết sức. Điều đó đã giúp em trở thành một học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền. Riêng trong năm học lớp 11, điểm trung bình các môn của Kim Phưng đã đạt đến 9.0, củng cố vững chắc vị trí đầu lớp.

Để có được những thành tích học tập quý báu ấy, Nguyễn Thị Kim Phưng đã phải trải qua rất nhiều thách thức từ những ngày còn bé bổng. Nay đã trưởng thành em càng quý trọng và tự hào về nó. Nhưng điều đó đã không làm cho Kim Phưng tự mãn hay kiêu căng, mà ngược lại, với bản tính chân tình, thân thiện, em luôn sẵn sàng lấy nguồn tri thức mà bản thân tích lũy được để giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ. Nhờ vậy mà Kim Phưng luôn được thầy cô và bạn bè thương mến, xứng đáng được xem là niềm tự hào của tập thể lớp 12B nói riêng, và trường THPT Đông Thái nói chung.

Nhà ở huyện U Minh Thượng, nhưng học ở Đông Thái, huyện An Biên, nên lộ trình từ nhà đến trường và ngược lại của Kim Phưng khá xa, vào những ngày mưa bão khoảng cách ấy càng trở nên lớn hơn. Những ngày học hai buổi buộc em phải ở lại trường. Những lúc như thế em phải chuẩn bị cơm từ nhà để mang theo ăn, nhằm giảm thiểu chi tiêu, dành dụm tiền mua thêm sách nâng cao tham khảo, mở rộng thêm kiến thức. Nhờ đó mà mà dù nghèo tiền nghèo bạc, cuộc sống thiếu kém hơn bạn bè, nhưng vốn tri thức và kỹ năng học tập thì Kim Phưng luôn vững vàng và vượt trội.

Năm nay Nguyễn Thị Kim Phưng học lớp 12 – năm học cuối cùng của bậc phổ thông, và đang tích cực chuẩn bị hành trang cần thiết để có thể đến với giảng đường đại học, hay nói cách khác là bước thêm một bước để tiến đến gần hơn với ước mơ trở thành một chiến sĩ công an của mình. Học vấn có thể có những chùm rể đắng cay, nhưng lại luôn cho ra hoa quả ngọt ngào, nếu tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu mình đã chọn, thì chúng tôi tin rằng thành công của cô học trò Nguyễn Thị Kim Phưng sẽ không còn xa nữa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Thị Kim Phưng – học sinh lớp 12B, trường THPT Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Ngọc Mến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *