Mới nghe qua, chắc chắn ai cũng đồng tình bởi chẳng cứ thơ mà trong bất cứ lĩnh vực văn nghệ nào, người sáng tác cũng phải luôn tự đổi mới để tiếp cận với những chuẩn mực thẩm mỹ hiện đại, làm phong phú và thúc đẩy sự phát triển không ngừng của thể loại. Nhưng vấn đề là tất cả mọi thứ gọi là "tìm tòi", rốt cuộc để làm gì, phục vụ cho cái gì, nếu không phải là hướng đến người đọc? Người đọc có chấp nhận, có "tiêu hóa" được không? "Đổi mới" đến mức người viết chỉ tuôn trên trang giấy một mớ ngôn từ "bí hiểm", không ai hiểu nổi, và chính tác giả cũng lúng túng khi nói về những câu thơ của mình thì được hiểu sao đây? Nó có khác gì gạo cho vào nồi nhưng không nấu thành cơm mà lổn nhổn, sống sít, hoặc thành cháy, hoặc thành cháo nhão nhoét.
Một tác giả không biết còn trẻ hay đã "quá đát", trong một bài thơ tình đã viết: "Em ngẩn ngơ/ tôi dại khờ/ Ta cùng vu vơ/ giữa thiên hạ vật vờ/ Ngày phập phồng/ Đêm căng vồng/ Côn trùng cựa quậy/ Ta run lẩy bẩy/ Nước tưng tửng tuôn / Xóa hết/ vết hôn…". Có vẻ như tác giả đắm chìm vào việc khơi gợi cho người đọc cảm giác liên quan đến… sex. Nhưng, còn gì bí hiểm hơn thế nữa đây – một nhà thơ không đến nỗi xa lạ trong giới cầm bút viết: "Lòng thòng lòng thòng số kiếp/ Ngày tận thế chưa xa/ Vũ trụ buông lơi nghiêng ngả/ Trái đất xõa, khóc òa/ Ta cười tít tắp đại dương/ Sằng sặc miền hồi ức…". Cả bài 20 câu cứ một âm điệu miên man với những từ ngữ như đánh đố người đọc. Tôi đã hỏi thẳng tác giả: "Xin lỗi nhà thơ, sao lại viết "ngày tận thế chưa xa?". Muốn nói sắp kết thúc thì phải viết "không xa" chứ, còn "chưa" thì phải là "chưa gần", tức là còn lâu mới kết thúc?". Nhà thơ này buông một câu xanh rờn: "Nói như ông thì ai chả nói được, còn gì là tìm tòi".
Những người làm thơ theo đuổi khát vọng cách tân có khuynh hướng nghiêng nhiều về hình thức hơn là đổi mới về ý tứ, nội dung. Họ đâu biết rằng, thơ văn xuôi từng xuất hiện ở Việt Nam từ mấy chục năm nay. Vậy nên đến giờ, mở rộng câu thơ dài dằng dặc, in thành vài ba dòng mới hết thì đâu có mới?
Có một sự thực khá thuyết phục: Cho đến hôm nay, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ có lượng độc giả đông nhất. Những bài thơ sáng tác từ trước Cách mạng Tháng Tám của ông được tái bản nhiều lần mà vẫn bán rất chạy, trong khi không phải nhà thơ nổi tiếng nào cũng có được diễm phúc đó. Mà đâu phải chỉ người dân quê mới thích thơ ông, giới trí thức ở thành phố cũng rất yêu quý nhà thơ này. Chắc chẳng ai nghĩ ông là nhà thơ "cách tân" gì. Vậy xin được khép lại bài viết bằng một lời như là "tái bút": Đổi mới là bản chất của sáng tạo. Ai chống lại sự đổi mới, kẻ đó không có lý do tồn tại. Nhưng cách tân như khuynh hướng phổ biến của nhiều người làm thơ hiện nay thì để làm chi, nếu không nói là một sự bế tắc và cũng là một dạng "lạc hậu" so với lịch sử?
Theo Nguyễn Đình San – CAND Online