… và hư cấu hoàn toàn’ là câu đề từ cho cuốn tiểu thuyết ‘Vắng mặt’. Có thừa không, khi bản chất của văn chương nói chung là hư cấu, là sự vận dụng những kỹ thuật viết để tạo nên một văn bản văn chương (J. P. Sartre thích dùng cụm từ: ‘những kỹ thuật văn học’ hơn là ‘văn học’).

Thừa và không. Bởi ở một khía cạnh nào đó, lời đề từ kia sẽ hạn chế những ngộ nhận, kiểu như tác giả này là ai, và ông ta đang viết về những người nào thế? sao ông lại viết những chuyện như thế?… Như vậy, một sự ngăn ngừa ngay từ đầu cũng là một cách ứng xử khả dĩ.

Và bắt đầu bằng "Mi", ở ngôi thứ nhất. Là "Mi", không phải "Y", hay "Tôi" hay "Mìn"’… Nhưng "Mi" cũng là một kẻ khác. Không hẳn là kẻ xa lạ, nhưng rõ ràng là khác với "Mi". Đó là một cách chọn, hay chỉ ngẫu nhiên? Dù sao vẫn khiến người đọc cảm thấy thú vị.

"Mi" (tức nhân vật chính: họa sĩ Vũ) có gì để kể? Chuyện về những bữa rượu bạn bè. Chuyện gái gú. Chuyện vẽ vời. Đứt đoạn, chắp nối, thực hư… Tác giả, có vẻ không chú tâm kể một câu chuyện có đầu có cuối, có gút mắc, có tháo gỡ. Vừa nhớ vừa kể. Vừa kể vừa bịa. (Vừa nhớ vừa bịa là một nhan đề truyện ngắn của Đỗ Phấn). Và đôi khi thấy tác giả có ý muốn sắp xếp lại những diễn biến, sử dụng ngôn ngữ trần thuật, mô tả hiện thực xã hội ở những điểm quy chiếu. Nhưng trên hết đây vẫn là một tiểu thuyết hư cấu. Hư cấu để được tự do. Điều có thể thấy rõ nhất là tình yêu trong tiểu thuyết này rất tự do, không có giả vờ, không đạo đức giả. Nhưng tác giả cũng quan niệm rõ ràng, tình yêu không phải là cứu cánh. Tình yêu là khả tính. Do đó, có thể nhiều độc giả sẽ "nhăn mặt" khi đọc đến chỗ họa sĩ Vũ làm tình với Tuyết (là vợ người bạn thân), rồi hai người lại có con với nhau. Nhưng Vũ trước sau vẫn chỉ là một người tình. Với những người đàn bà khác, Vũ cũng chỉ là một người tình, một "thằng đàn ông" cô độc, bản năng. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết "về những thằng đàn ông" và "về những người đàn bà".

Bìa cuốn sách.
Bìa cuốn sách.

Và, về thành phố. Tiểu thuyết là những tập hợp bức tranh thành phố, ở những giai đoạn khác nhau, ráp nối lại, để nhìn ngắm, soi rọi, nhớ thương hay phẫn nộ. Thành phố. Giữa những ồn tạp tưởng chừng bất tận, giữa những "hội hè miên man" (Hội hè miên man là tên tiểu thuyết hồi ký của E. Hemingway; bản dịch Phan Triều Hải) thì chừng như vẫn muôn thuở buồn, vẫn không thể cứu vãn những mất mát. Thành phố không còn ký ức, bởi vỉa hè đào xới thay gạch mới hằng năm, những di chỉ văn hóa bị tẩy xóa, những góc phố hồn vía nhất "được" chuyển giao mục đích kinh doanh. Không có một hành động nào lại không ẩn sau những động cơ cá nhân. Những động cơ cá nhân bẩn thỉu được khéo che đậy, nhiều khi là vì lợi ích cộng đồng. Thành phố và cái xã hội tiêu dùng đã biến tất thảy thành hàng hóa là điều không thể chống đỡ được. Tư duy ứng dụng thay thế cho tư duy sáng tạo. Ngay cả những trí thức cũng bày mẹo "leo trèo" trên vai những nhân vật xuất chúng hơn là bày tỏ tri kiến, nói bằng giọng điệu của mình.

Không còn hư thực, lẫn lộn nữa, mà là vắng mặt. Con người soi gương và hốt hoảng không nhìn thấy khuôn mặt mình. Nhưng Đỗ Phấn không "nói triết", tác giả cũng loại trừ một lối viết ẩn dụ, hay huyền ảo, hay giễu cợt, hay luận đề… Tác giả chỉ tập trung làm rõ những tính chất của sự thật bằng cách lấy hiện thực làm chất liệu, và phổ lên đó cái giọng buồn, cái nụ cười thầm của mình.

Cuối cùng là sắp đặt một cuộc chạy trốn. Họa sĩ Vũ mua một căn nhà ở nông thôn, cái ý nghĩ để được sống với thiên nhiên đích xác hơn là thích không gian quê kiểng. Trong cuộc xê dịch có chủ đích như thế, "Mi" chợt nhận ra rằng, những người ở phố thì đang chạy về quê, còn những người ở quê thì đang ùn ùn lên thành phố. Và "Mi" tự hỏi: "Những con người làm nên cuộc sống và bộ mặt phố phường. Họ là ai thế nhỉ???".

Rồi cũng sẽ có độc giả hỏi: Đỗ Phấn là ai thế nhỉ? Bởi Đỗ Phấn không phải là một tên tuổi, trong thời buổi mà người ta thường bỏ tiền ra để mua một thương hiệu, đọc văn chương theo những kênh PR, khen chê theo phe nhóm… Là một họa sĩ, chắc Đỗ Phấn cũng biết, nếu không có thương hiệu thì ít ra cũng nhái theo một bậc thầy, một trường phái, thậm chí là để làm hài lòng một nhà phê bình đang có uy thế. Nhưng, những toan tính ngoài văn chương đó có ý nghĩa gì, khi tác giả đã nhìn thấy (chấp nhận?) một sự vắng mặt. Ở một khía cạnh khác, nhà văn cũng nên là người đi vắng để cho tác phẩm ở lại, mọi cuộc gặp gỡ, trò chuyện nên diễn ra xoay quanh cái văn bản văn chương đó, hơn là với nhà văn.

Theo Trần Nhã Thụy – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *