Cuối năm là dịp nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới, có kế hoạch sinh con trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm đang gia tăng gặp ở trẻ em và người lớn. Tiêm vaccine giúp các cặp đôi khỏe mạnh, đón thai kỳ an toàn.
Đó là chia sẻ của các bác sĩ trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Vaccine “mùa cưới & mùa sinh”: Phòng bệnh gì trước khi kết hôn và mang thai?” diễn ra ngày 29/11/2024.
Chương trình có sự tham gia của BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, BS Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC và bà Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc khách hàng, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm của hàng ngàn khán giả trên cả nước trong bối cảnh nhiều cặp đôi đang chuẩn bị cho ngày kết hôn trọng đại, cũng như kế hoạch mang thai sinh con.
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn Tại đây
Các y bác sĩ tại buổi tư vấn “Vaccine “mùa cưới & mùa sinh”: Phòng bệnh gì trước khi kết hôn và mang thai?” diễn ra ngày 29/11/2024.
Mở đầu chương trình, BS Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, chia sẻ nhiều bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng sức khỏe của người lớn, phụ nữ mang thai và cả thai nhi. Do đó, các cặp đôi muốn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc để bảo vệ bản thân và con yêu khi chào đời cần tiêm các loại vaccine quan trọng. BS Khương liệt kê các loại vắc xin gồm cúm, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, phế cầu, HPV, sốt xuất huyết, não mô cầu, bạch hầu – ho gà – uốn ván.
Trong đó, một số loại vaccine có thành phần virus sống giảm độc lực hoặc yêu cầu tiêm trước mang thai gồm viêm gan B, sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, phế cầu, sốt xuất huyết, HPV. Phụ nữ nên sắp xếp thời gian để tiêm chủng phù hợp trước khi có thai. Người tiêm có thể tiêm kết hợp nhiều loại vaccine cùng lúc để vừa tiết kiệm thời gian đi lại và tránh được việc chưa phòng hết bệnh đã mang thai.
“Thai phụ có hệ miễn dịch yếu nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, nguy cơ gây biến chứng cho mẹ và bé, tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, dị tật. Vì vậy, khi có dự định mang thai, người phụ nữ nên tiêm vaccine đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh”, bác sĩ Khương chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương tư vấn tại chương trình.
Bác sĩ Khương lưu ý thời tiết cuối năm trở lạnh, các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, phế cầu… dễ lây qua đường hô hấp hoặc vô tình chạm tay vào bề mặt chứa giọt bắn của người bệnh. Ngoài vợ, người chồng cũng cần tiêm vaccine để có thể phòng tránh nhiễm bệnh cho vợ khi mang thai và cho con nhỏ.
“Trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện cũng là “con mồi” của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ví dụ các hành vi ôm hôn trẻ sẽ dễ dàng lây bệnh cho trẻ trong khi trẻ chưa có kháng thể phòng bệnh tiêm vaccine. Do vậy, người lớn trong nhà cần phòng và tránh mắc bệnh để không mang mầm bệnh về nhà lây cho trẻ”, bác sĩ Khương khuyến cáo.
Theo bác sĩ Khương, người mẹ hoàn thành các mũi tiêm trước khi mang thai ngoài bảo vệ sức khỏe mẹ còn giúp tạo ra kháng thể chủ động truyền cho thai nhi. Song các vaccine như cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván nếu không tiêm được trước khi mang thai, mẹ có thể tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Việc này giúp em bé hưởng lợi từ việc nhận được kháng thể mẹ truyền sang nhau thai và sữa mẹ. Trong đó cúm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, thai nhi tăng nguy cơ dị tật như hở hàm ếch, rối loạn tâm thần. Ho gà xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có tỷ lệ tử vong cao do biến chứng viêm phổi, ngừng thở.
Bác sĩ Khương cũng lưu ý, những trường hợp có vấn đề sức khỏe cần theo dõi như đường huyết cao, tiền sản giật cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, có thể đợi thai kỳ ổn định để tiêm chủng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc tư vấn tại chương trình.
Tại chương trình, nhiều khán giả đặt câu hỏi về việc lớn tuổi cần chuẩn bị những gì khi mang thai và sinh con cũng được BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp đầy đủ. Theo bác sĩ Phúc, phụ nữ sau tuổi 35 số lượng và chất lượng trứng giảm dần, tỷ lệ có thai tự nhiên thường thấp và phát sinh nhiều vấn đề dưỡng thai kèm theo. Vì vậy nếu có kế hoạch mang thai, sinh con ở tuổi này, phụ nữ cần đi khám sức khỏe cũng như tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
“Khi khám chúng tôi sẽ theo dõi vấn đề tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa…, nếu ổn định bạn sẽ được tiêm các vaccine nên tiêm trước thời kỳ mang thai”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Bác sĩ Phúc cũng lưu ý với những trường hợp không may mắc bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, rubella… các thai phụ nên đi khám sớm, thực hiện các xét nghiệm tổng thể để xác định đúng bệnh cũng cũng như ăn uống đủ chất, tuân thủ điều trị của bác sĩ, không nên chủ quan.
Trong chương trình, các thắc mắc về vaccine, giá vaccine, các chương trình ưu đãi cũng được bà Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý CSKH, Hệ thống tiêm chủng VNVC, giải đáp đầy đủ. Theo đó, khi đến VNVC tiêm vaccine, khách sẽ được phục vụ đầy đủ như khám sàng lọc trước tiêm, được nhắc lịch tiêm, đặt trước khi đến tiêm để không phải chờ lâu….
Bà Nguyễn Dương Khánh Vy tư vấn tại chương trình.
Bà Vy cũng cho biết, ngoài tiêm các loại vaccine trên, tại VNVC cũng đang triển khai tiêm vaccine lao miễn phí cho trẻ nhỏ tại hơn 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên cả nước. Vì vậy, cha mẹ có thể đưa con đến các trung tâm gần nhất để tiêm.
VNVC còn có chương trình ưu đãi dành cho các bé ở độ tuổi 2 tháng khi tiêm vaccine 6 trong 1, vaccine phế cầu, nhất là vaccine sốt xuất huyết cho khách hàng đi từ nhóm 2 người trở lên. Khi khách hàng tiêm vaccine sốt xuất huyết tại VNVC còn được tặng phiếu ưu đãi để dành tặng cho người thân có thể đến tiêm vaccine này.
Ngoài ra, các khách hàng nhỏ tuổi cũng sẽ được VNVC tặng gấu bông thiết kế dễ thương nhằm giúp các bé vui hơn khi đi tiêm vaccine. Đối với gói vaccine, khách hàng còn có thể nhận được ưu đãi, tặng quà sinh nhật như balo, sticker cho bé, phiếu voucher, túi giữ nhiệt, túi thời trang.
An Nguyên